Suối “cá thần” Cẩm Thuỷ
Hiện tượng thiên nhiên kỳ thú
Chiếc cầu treo Cẩm Lương, nối ngang đôi bờ sông Mã với một con đường mòn ven sông Mã khúc khủyu, uốn quanh núi Trường Sinh. Đây chính là lối dẫn vào suối “cá thần” mà từ lâu luôn ẩn chứa những câu chuyện huyền bí xung quanh nguồn gốc của loài cá cũng như con suối…
Suối “cá thần” nằm ở chân núi Trường Sinh, thuộc bản Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa).
Từ nhiều thế hệ nay, người dân nơi đây vẫn truyền miệng về nguồn gốc của loài cá bắt đầu từ một truyền thuyết về thần rắn. Suối “cá thần” là một sự kết tinh kỳ thú của thiên nhiên, một sự tích kỳ bí về loài cá thần, chỉ có duy nhất ở Thanh Hóa.
Không biết từ bao giờ, thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây suối “cá thần” Cẩm Lương - một bí ấn chưa có lời giải, là hiện tượng làm thỏa mãn chí tò mò của du khách thập phương cũng như người dân bản địa.
Cách dòng sông Mã gần 2 km, nằm giữa 4 bề núi đá vôi dựng đứng sừng sững, dòng “suối tiên” Lương Ngọc bé nhỏ có chiều dài rất khiêm tốn, chỉ hơn 100 mét, chỗ hẹp chừng 2 m, chỗ rộng trên 3 m, sâu khoảng 30 - 50 cm, nhưng có tới hàng nghìn con cá, nối đuôi nhau thành từng hàng bơi quanh miệng hang đá. Không ai có thể biết tại sao từ trong lòng núi lúc nào cũng tuôn chảy ra một nguồn nước trong và xanh biếc đến vậy.
Theo người dân bản địa, mặc dù nơi đây thường xuyên bị lũ lụt, nhưng cá trong suối không bao giờ trôi đi, hay bơi ra sông. Trái lại, khi nước lũ tràn vào suối, những con cá lớn chui vào hang đá để trốn, những con nhỏ, nếu bị nước cuốn đi cũng có thể tự biết đường bơi trở lại hang.
Cá ở đây đủ kích cỡ. Nếu ngồi sát mép suối, người ta có thể trông rõ từng chiếc vây và vẻ đẹp của loài cá này. Chúng thoải mái đùa giỡn, lộ rõ phần bụng và lưng màu đen pha sắc vàng óng ánh, môi và vây màu đỏ rất đẹp và kỳ bí. Cá rất dạn người, không tản đi, dù trên bờ hầu như lúc nào cũng có người đứng ngắm.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Xí nghiệp Giao thông - Xây dựng Cẩm Thủy (đơn vị kết hợp cùng Ban quản lý Khu du lịch suối cá Cẩm Lương), đã có nhiều đoàn khoa học trong nước cũng như quốc tế về đây khảo sát. Tuy nhiên, sự kết tinh huyền bí giữa núi, sông và đàn “cá thần” nơi đây vẫn đang là một bí ẩn đối với các nhà khoa học.
Từ đầu nguồn suối, lần lên là đỉnh dãy Trường Sinh có động Ðăng, người dân nơi đây vẫn thường gọi với cái tên “vào cửa cha, ra cửa mẹ”. Trong động Đăng, có những thạch nhũ thiên tạo mang nhiều hình thù khác nhau lấp lánh nhiều sắc màu, có tiếng róc rách của con suối nhỏ, khởi nguồn của dòng nước trong hang cá Cẩm Lương. Tại đây, người dân đã lập một ngôi miếu thờ thần cá để dâng hương, họ tin rằng sự sung túc của bầy cá là biểu tượng của sự bình yên, no ấm. Theo quan niệm của dân làng chài, họ có một niềm tin rất mãnh liệt - đó là mỗi lần ra khơi họ đều lên đây thành tâm thắp hương… và họ có một chuyến đi bình an trở về.
Từ những câu chuyện được truyền miệng với nhau, cộng với truyền thuyết về “thần cá” nên người Mường càng tin cá chính là thần linh. Và chính những câu chuyện này, đã khoác lên suối cá thần một vẻ đẹp đầy tính huyền bí.
Đền thờ thần rắn linh thiêng
Theo tài liệu của xã Lương Ngọc và truyền thuyết của người Mường, kể lại rằng: Ngày xưa, bản Ngọc dưới chân dãy Trường Sinh thường xuyên bị hạn hán, mất mùa. Ở bản, có hai vợ chồng hiếm muộn con, hằng ngày thường ra ven suối trồng trọt và bắt tôm cá kiếm sống qua ngày.
Một hôm, bà ra suối mò cua, bắt cá lại mò được một quả trứng lạ. Bà thả quả trứng xuống nước rồi tiếp tục mò, nhưng vẫn chỉ mò được quả trứng đó. Ba bốn lần như vậy, thấy lạ bà liền mang trứng về nhà rồi kể lại câu chuyện cho chồng nghe. Rồi ông bà đem trứng cho gà ấp thử, không ngờ ít hôm sau, quả trứng đó nở ra một chú rắn.
Thấy lạ, ông lão liền mang chú rắn ra suối Ngọc thả cho rắn đi, nhưng cứ sáng mang ra thả thì tối chú rắn lại quay về nhà và hai vợ chồng đành để rắn sống chung như một thành viên trong gia đình.
Từ khi có rắn sinh ra, đồng ruộng ở đây trở nên tốt tươi, dân bản Mường được ấm no, hạnh phúc, họ yêu quý rắn nên gọi rắn là chàng Rắn.
Đền thờ thần rắn
Cuộc sống yên bình cứ trôi đi, bỗng một đêm trời mưa to gió lớn, sấm rền chớp giật đùng đùng. Quá lo sợ, người dân đóng kín cửa ở trong nhà tránh mưa to gió lớn, khi gió mưa ngừng thì cũng là lúc rạng sáng. Sáng hôm sau, người dân thấy xác chàng Rắn nằm dưới chân núi Trường Sinh, bên bờ suối Ngọc.
Tiếc thương chàng Rắn, bà con đem chôn dưới chân núi Trường Sinh. Trước đêm làm lễ tế, thần linh báo mộng cho dân làng biết, chàng Rắn vì chiến đấu với thủy quái về phá hoại bản làng mà bỏ mạng, cho nên đã được Ngọc Hoàng phong là Thần và giao cho chức Tứ Phủ Long vương.
Không hiểu lý do tại sao, cũng từ khi người dân trong bản lập đền thờ bên bờ suối để tưởng nhớ công lao chàng Rắn thì cũng từ đó, suối Ngọc xuất hiện đàn cá kỳ bí với hàng nghìn con ngày đêm về chầu thần và canh gác quanh ngôi đền, cho đến tận ngày nay lúc nào cũng đông đúc. Cũng theo mộng báo thì đây là những quân lính hóa cá để hầu hạ thần rắn. Vì vậy, người dân nơi đây gọi là… “cá thần”.
Với niềm tin suối cá là nơi linh thiêng có thể che mưa, phủ nắng cho bản làng, sự đông đúc của đàn cá trong dòng suối là sự bình yên, no ấm cho cuộc sống dân làng nơi đây nên từ bao đời nay, bà con dân tộc Mường luôn gìn giữ và xem loài cá này là loài cá thiêng và cũng là báu vật của người Mường nơi đây.
Xe vận chuyển khách du lịch từ cầu treo đến suối cá của Xí nghiệp Giao thông - Xây dựng Cẩm Thuỷ
Cứ vào ngày mồng 8 tháng Giêng là dân làng lại tổ chức Lễ hội Khai Hạ cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu và cảm ơn thần rắn. Cũng nhờ có suối “cá thần” mà Cẩm Lương đã thoát ra khỏi xã nghèo và hiện là một trong những xã khá của huyện.
Bùi Quyền - Đinh Hiền