Bổ nhiệm cho “nợ tiêu chuẩn”?
Theo dư luận phản ánh, tháng 12/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định bổ nhiệm ông Trần Tú Khánh (sinh năm 1978), Phó hiệu trưởng Trường Đại học Vinh vào vị trí Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính; rồi tiếp tục được quy hoạch nguồn vào vị trí thứ trưởng của bộ này, khi chưa phải “chuyên viên chính” là việc làm sai nguyên tắc, trái với quy định của Nhà nước về công tác bổ nhiệm cán bộ, gây ra nhiều hoài nghi, bức xúc trong dư luận.
Hai năm sau (24/11/2018), ông Trần Tú Khánh mới đi thi chuyển ngạch chuyên viên chính tại Trường Đại học Hà Nội.
Trong khi đó, theo Quyết định số 1701/QĐ-BNV, ban hành ngày 28/6/2016 của Bộ Nội vụ về việc phê duyệt danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các chức danh Vụ trưởng, Cục trưởng phải hội tụ đủ các điều kiện, đó là: Thứ nhất, phải là chuyên viên chính. Thứ hai, phải là công chức.
Nếu chiếu theo quy định này, ông Trần Tú Khánh chưa đáp ứng đủ các tiêu chí để được Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ nhiệm vào vị trí Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính.
Quyết định số 1701/QĐ-BNV (ngày 28/6/2016) của Bộ Nội vụ
Để rộng đường dư luận, phóng viên đã đặt lịch làm việc với Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cụ thể với bà Trần Thị Nguyệt - Phó giám đốc Trung tâm truyền thông giáo dục là người được giao nhiệm vụ trả lời báo chí. Tuy nhiên đã nhiều ngày trôi qua, phóng viên vẫn chưa nhận được hồi âm từ bà Trần Thị Nguyệt và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến sự việc nêu trên.
Sáng 22/5/2019, trao đổi qua điện thoại với bà Lê Thị Thanh Nhàn - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ giáo dục và Đào tạo cho phóng viên biết, do mới về nhận nhiệm vụ từ 1/2019 nên không nắm bắt được sự việc và từ chối trả lời mọi câu hỏi liên quan đến bổ nhiệm ông Trần Tú Khánh, vì chưa được lãnh đạo Bộ chỉ đạo.
Người trong cuộc thừa nhận
Cuối giờ trưa ngày 22/5/2019, qua điện thoại phóng viên liên lạc được với ông Trần Tú Khánh. Ông Khánh khẳng định, năm 2016 khi được bổ nhiệm vào vị trí Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, ông chưa phải là Chuyên viên chính.
Theo ông Khánh, hồ sơ bổ nhiệm cán bộ là tài liệu mật. Còn việc bổ nhiệm là do ông được điều động từ Phó hiệu trưởng Trường Đại học Vinh ra Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ông Khánh còn cho biết thêm, Ủy ban kiểm tra Trung ương cũng đã vào cuộc làm việc rõ và có kết luận, đồng thời đưa ra yêu cầu trường hợp nào còn thiếu tiêu chuẩn thì cần khắc phục.
Về chức vụ Phó hiệu trưởng Trường Đại học Vinh, ông Khánh giải thích, đó là “ngạch công chức” chứ không phải viên chức: Hiệu phó, Trưởng phòng kế toán đều là công chức. Đến thời điểm này, bản thân ông Khánh đã hoàn thiện và đạt được những tiêu chí còn thiếu mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu.
Ở Bộ Giáo dục và Đào tạo còn có nhiều trường hợp khác tương tự chứ không phải mình ông – ông Khánh cho biết thêm.
Không dễ dàng cho qua chuyện
Bên lề hành lang Quốc hội, tại kỳ họp thứ 7, QH khóa 14, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết, nếu đúng như phán ánh của dư luận về việc bổ nhiệm ông Trần Tú Khánh vào vị trí Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính của Bộ giáo dục và Đào tạo khi chưa phải Chuyên viên chính là không thể chấp nhận được.
Danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 1701/QĐ-BNV (ngày 28/6/2016) của Bộ Nội vụ ghi rõ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, tiểu mục 3.11 Vụ trưởng phải đạt ngạch chuyên viên chính
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng diễn giải, bởi có rất nhiều người cũng có cả quá trình công tác và phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, hội tụ đầy đủ điều kiện tại sao không được bổ nhiệm? Việc bổ nhiệm này liệu có uẩn khúc gì không? Có đi ngược lại với các quy định, Quyết định về bổ nhiệm công tác cán bộ của Nhà nước hay không? Việc bổ nhiệm khi chưa phải là Chuyên viên chính vào một vị trí quan trọng như vậy không thể nói là xuề xòa và cho qua chuyện dễ dàng như thế được? Chúng ta phải tuân thủ và tôn trọng mọi chế độ, chính sách, pháp luật của nhà nước ban hành.
“Vào thời điểm bổ nhiệm thì không phát hiện ra, đến khi dư luận lên tiếng, xì xào, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc mới vỡ lẽ, mới tìm cách “khắc phục, hợp thức hóa” là điều rất bất thường?” – Đại biểu Nhưỡng nói.
Cũng theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, trường hợp này là một trong những kiểu "nợ tiêu chuẩn”. Vì vậy cần kiểm tra, xác minh vì sao người ta được nợ tiêu chuẩn để bổ nhiệm? Nếu không phải là xuất chúng thì chắc phải có sự khuất tất. Từ món nợ này họ đã được hưởng "lãi " lần thứ nhất, lại có điều kiện "lãi " tiếp về quy hoạch, rồi bổ nhiệm chức vụ cao hơn.... như vậy " lãi mẹ đẻ lãi con".
Theo Kết luận số 43 của Bộ Chính Trị thì cần phải thu hồi quyết định bổ nhiệm trái pháp luật và xử lý vi phạm – đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Thanh Trang