Tiến sỹ Vũ Đình Ánh phân tích: Nếu nói đến vấn đề chiết khấu trong kinh doanh xăng, dầu thì theo tôi nó liên quan đến hệ thống kinh doanh xăng, dầu của nước ta hiện nay cần phải tổ chức sắp xếp lại. Hiện chúng ta có đến 36 đầu mối kinh doanh xăng, dầu và tới khoảng 500 doanh nghiệp phân phối, khoảng 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu. Đối với thị trường Việt Nam thì những con số này theo tôi là quá nhiều.

Thực tế, nhiều nước phát triển, nhu cầu sử dụng xăng dầu lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, số lượng doanh nghiệp đầu mối kinh doanh và phân phối chỉ vài chục. 

Ảnh minh họa, báo Đầu tư
Cần nhanh chóng tổ chức sắp xếp lại hệ thống kinh doanh xăng, dầu. Ảnh minh họa, báo Đầu tư.

Với tình hình chiết khấu âm thì rõ ràng đang tạo sức ép từ các doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối đối với các cửa hàng bán lẻ. Do đó, việc tổ chức lại hệ thống kinh doanh xăng, dầu là rất cần thiết, sao cho giảm bớt số đầu mối kinh doanh xăng, dầu và doanh nghiệp phân phối. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng cần quản lý, sắp xếp lại mối quan hệ giữa các doanh nghiệp này nhằm khắc phục tình trạng mức chiết khấu âm như đang được nhắc đến hiện nay.

Theo các doanh nghiệp phản ánh, premium là một trong những yếu tố khiến các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu đang phải chịu chiết khấu âm. Trong giá cơ sở hiện nay, nên sớm có sự thống nhất sớm giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương để rà soát, điều chỉnh tất cả yếu tố cấu thành, tính toán đầy đủ các chi phí theo tình hình thị trường chứ không theo giai đoạn trước khi chúng ta nhập khẩu xăng, dầu là chủ yếu, vì hiện tại việc sản xuất xăng, dầu trong nước đã đáp ứng được gần 3/4 nhu cầu tiêu dùng.

Do đó, premium liên quan đến các chi phí về giá vận tải và mối quan hệ của các doanh nghiệp trong nước với các đầu mối kinh doanh xăng, dầu. Các doanh nghiệp khi kinh doanh đương nhiên đều yêu cầu phải có lãi, vì vậy cũng cần cân đối yếu tố này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, tổ chức sắp xếp lại hệ thống kinh doanh xăng, dầu cần đảm bảo các vấn đề: Một là, đảm bảo định hướng phát triển thị trường kinh doanh xăng, dầu cạnh tranh. Hai là, hệ thống đó phải đảm bảo nhiệm vụ về an ninh an toàn năng lượng. Ba là, hệ thống phải vận hành ổn định, có lợi nhuận kể cả khi giá xăng, dầu biến động theo chiều hướng tăng hay giảm. 

Tiến sỹ Vũ Đình Ánh nhấn mạnh: Sắp xếp lại thì cũng phải có sự phối hợp các bộ, ngành chức năng; cần phải linh hoạt và trơn tru hơn, kịp thời hơn. Đặc biệt, về việc phân công trách nhiệm, quyền hạn liên quan đến xăng, dầu, rất nên chuyển việc quyết định giá cơ sở, thậm chí các khoản lợi nhuận, định mức giao về Bộ Công Thương quản lý nhằm đảm bảo tính thống nhất và một đầu mối chịu trách nhiệm hơn việc hiện nay Bộ Tài chính đang phải “ôm” nhiệm vụ đó.

"Việc Bộ Công Thương cần làm ngay bây giờ là tổ chức lại hệ thống kinh doanh xăng, dầu là rất cần thiết và phải thực hiện nhanh chóng sao cho giảm bớt số đầu mối kinh doanh xăng, dầu và doanh nghiệp phân phối", Tiến sỹ Vũ Đình Ánh khẳng định.

Công Huy (t/h)