Nhiều dịch vụ xe đưa đón học sinh không bảo đảm an toàn
Theo văn bản của Bộ GTVT, tại khoản 1 Điều 64 Luật Giao thông đường bộ quy định, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư thì kinh doanh vận tải đường bộ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và xe chở học sinh là loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
Cũng theo Bộ GTVT, Nghị định số 86 và Thông tư số 63 của Bộ trưởng Bộ GTVT cũng quy định, các xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải thuộc các đơn vị vận tải đã được sở GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận tải và xe được cấp phù hiệu, gắn thiết bị GSHT theo quy định.
Vẫn còn một lượng lớn xe đưa đón học sinh không đảm bảo chất lượng ngang nhiên hoạt động, phát sinh nhiều vụ việc thương tâm
Thế nhưng, nhiều người chỉ quan tâm đến giá cả mà bỏ qua những quy định như: Phương tiện chở người phải được cấp phép kinh doanh vận tải, được cấp phù hiệu, có đăng ký, đăng kiểm, lái xe phải có giấy phép phù hợp với từng loại xe… dẫn đến lượng lớn xe đưa đón học sinh không đảm bảo chất lượng để rồi xảy ra nhưng sự việc đáng tiếc.
Cách đây không lâu là sự cố đáng tiếc của cháu bé bị bỏ quên trên xe tại trường Gateway (Hà Nội) và trường mầm non Đồ Rê Mí (Bắc Ninh). Sau sự việc này công tác quản lý xe đưa đón học sinh cũng được xử lý quyết liệt hơn, bộ Giáo dục và Đào Tạo cũng đã kiến nghị Bộ GTVT rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với loại hình xe đưa đón học sinh. Tuy vậy, đến nay, ngoài việc bổ sung quy định về “phương án kiểm soát để bảo đảm không bỏ quên hành khách ở trên xe khi kết thúc hành trình” thì cũng chưa có thêm quy định gì mới đối với xe đưa đón học sinh.
Những ngày gần đây, dư luận lại xôn xao trước sự việc xe 16 chỗ chở học sinh Trường tiểu học Phan Bội Châu (P.Long Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai) chạy đến đoạn cua thì cửa sau xe bật mở khiến 3 em học sinh lớp 1 rơi xuống đường vào sáng 26/11. May mắn cả 3 em đều không bị thương tích. Chiều 29/11, một xe 16 chỗ chở học sinh từ Trường tiểu học Diên Hồng (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) về nhà thì bất ngờ 2 em học sinh lớp 4 rơi xuống đường, bị sây sát nhẹ.
Nhu cầu hiện nay của phụ huynh trong việc đưa đón con đi học bằng xe ô tô rất cao. Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý và đảm bảo chất lượng của xe đưa đón thì chưa có một quy chuẩn nào rõ ràng. Trên nhiều tỉnh thành nở rộ dịch vụ xe ôtô đưa đón học sinh tới trường. Điều đáng nói là hầu hết những chiếc xe này đều trong tình trạng cũ nát, hết niên hạn, không được đăng ký, đăng kiểm nhưng hằng ngày vẫn vô tư đưa đón học sinh tới trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Từ đầu năm 2019 đến nay, thanh tra giao thông đã xử phạt vi phạm hành chính 319 trường hợp xe đưa đón học sinh vi phạm, phạt tiền 320 triệu đồng, tước giấy phép 18 trường hợp, tịch thu một phương tiện. Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: dừng, đỗ xe sai quy định, chở quá số người quy định, không có phù hiệu.
Theo đội CSGT Công an TP Vũng Tàu, hiện ở TP này có khoảng 80 xe đưa đón học sinh. Kiểm tra vào đầu năm 2019, CSGT đã phát hiện các lỗi như xe đã hết niên hạn sử dụng, hết hạn đăng kiểm, không có hợp đồng đưa đón. Tháng 11/2019 cũng phát hiện 2 xe hết niên hạn sử dụng đưa đón học sinh một trường THPT. Theo ghi nhận, xe đưa đón học sinh ở Vũng Tàu chủ yếu là dòng xe tải nhẹ Daihatsu có hai hàng ghế.
Tại Ninh Bình, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra tại 28 trường học trên địa bàn tỉnh có xe đưa đón học sinh với 102 xe nhưng nhiều xe chưa đủ điều kiện hoạt động.
Cần có phương án quản lý, giám sát chặt chẽ
Chia sẻ với báo chí, TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cũng cho rằng, các cơ quan liên quan cần sớm nghiên cứu, tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ để cơ quan quản lý có thể giám sát một cách hiệu quả dịch vụ xe đưa đón học sinh. Đó không chỉ là phương tiện, là người lái, mà quan trọng là quy định về điều kiện kinh doanh đối với loại hình vận tải đặc thù này. So với loại hình xe hợp đồng vận tải nói chung, xe đưa đón học sinh hầu như không có thêm bất kỳ điều kiện cụ thể nào.
Hiện nay, so với loại hình xe hợp đồng vận tải nói chung, xe đưa đón học sinh hầu như không có thêm bất kỳ điều kiện cụ thể nào. Việc nhìn nhận xe đưa đón học sinh như xe hợp đồng vận tải chắc chắn sẽ không đủ tác động tích cực đến hoạt động đưa đón học sinh vốn đang gặp rất nhiều vấn đề xung quanh sự an toàn hiện nay. Bởi, các nhà trường thường không đăng ký kinh doanh dịch vụ vận tải, nên buộc phải hợp đồng với bên thứ 3 cung cấp phương tiện và nhân sự vận hành. Các doanh nghiệp vận tải không dễ phát triển năng lực quản trị học đường để phục vụ đối tượng đặc biệt là học sinh.
Ngoài các nguy cơ về việc để quên học sinh trên xe, các tài xế, phụ xe thiếu chuẩn mực về tác phong giao tiếp cũng sẽ tác động tiêu cực tới trẻ em thông qua hành xử của mình. Đặc biệt, khi xe đưa đón học sinh không buộc phải đáp ứng các điều kiện về thiết kế phù hợp với khả năng tiếp cận phương tiện của trẻ em sẽ dẫn đến những nguy cơ mất an toàn.
Bên cạnh các quy định hiện hành của xe đưa đón như xe hợp đồng, thì vẫn cần có các quy chuẩn riêng của xe đưa đón học sinh để đảm bảo an toàn
Chính vì vậy, bên cạnh các quy định hiện hành của xe đưa đón như xe hợp đồng thì cần có các quy chuẩn riêng của xe đưa đón học sinh để đảm bảo an toàn. Xe đưa đón phải là loại phương tiện công cộng dành riêng cho học sinh, với các yêu cầu về nhận diện, về thiết kế phù hợp để dành riêng cho học sinh, với các tiêu chí an toàn đặc biệt.
Bộ GDĐT cũng cần chủ động đưa ra các đề xuất pháp luật từ thực tiễn quản lý của ngành, để từ đó phối hợp với Bộ GTVT để xây dựng các nguyên tắc, quy định phù hợp đối với loại hình này.
Diễm Lệ