Chia sẻ về Hội thảo, ông Nguyễn Anh Dũng – Tổng Biên tập Báo xây dựng cho biết: Thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất của cuộc cách mạng này là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy....
Toàn cảnh Hội thảo "Vật liệu xây dựng mới cho những công trình xây dựng trong tương lai”
Hiện nay, vật liệu xây dựng là sản phẩm hỗ trợ chủ yếu của ngành xây dựng. Đầu tư xây dựng chiếm tỷ trọng khoảng 70% đầu tư xã hội, trong đó vật liệu xây dựng chiếm 30 - 50% tổng đầu tư xây dựng. Do vậy, phát triển vật liệu xây dựng sẽ góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Để đáp ứng yêu cầu đó, vật liệu xây dựng mới cho công trình xây dựng trong tương lai là sự lựa chọn tất yếu của ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Để bảo đảm phát triển công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển vật liệu xây dựng mới, giá thành thấp, chất lượng cao, thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát quá trình phát triển vật liệu xây dựng đảm bảo bền vững, cân đối cung cầu… ngành sản xuất vật liệu xây dựng đã tạo ra nhiều chủng loại vật liệu xây dựng mới.
Tuy nhiên, hiện trạng vật liệu xây dựng mới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn ví như về ứng dụng công nghệ để sản xuất, tiêu chuẩn sản phẩm như thế nào, và lượng đầu ra để đảm bảo cung cấp cho thị trường…. Theo ông Lê Văn Tới, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam, về tiêu thụ vật liệu xây không nung, nếu tính bình quân cả nước và các loại vật liệu xây không nung nói chung thì năm 2015 là 4,98 tỷ viên trên tổng số 23 tỷ viên được sử dụng, đạt 21%. Tỷ lệ gạch nhẹ đang ở tỷ lệ thấp, chỉ mới khoảng 8-9% trên tổng số vật liệu xây không nung, mà mục tiêu đề ra là trên 20%.
Theo số liệu của Vụ Vật liệu Xây dựng, Bộ Xây Dựng, 9 tháng đầu năm 2018 tỷ lệ này đạt trên 30%. Tuy nhiên vẫn tồn tại một thực trạng là tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung loại nhẹ vẫn còn thấp so với chỉ tiêu đề ra. Một tồn tại nữa là còn nhiều tỉnh chưa thực sự quan tâm đến vật liệu xây không nung.
Tại Hội thảo, ông Tới đã chỉ ra bốn thách thức lớn trong việc tăng cường ứng dụng vật liệu xây dựng mới vào đời sống. Bên cạnh những kết quả và hiệu quả của vật liệu xây dựng mới đã mang lại cho ngành xây dựng nhiều bước tiến mới thì vẫn còn một số vấn đề cần sớm được hoàn thiện, đặc biệt về việc đánh giá lại các chất lượng các công trình đã sử dụng sản phẩm vật liệu mới, nghiên cứu để đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn và hoàn thiện bộ công cụ quản lý cho vật liệu mới; áp dụng cơ chế chính sách để huy động các nhà đầu tư và người dân tham gia sản xuất, sử dụng sản phẩm vật liệu mới.
Cũng tại hội thảo, Thạc sỹ Lương Văn Hùng, Chuyên viên chính, Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) đã bàn đến vấn đề Quản lý Nhà nước về Vật liệu mới trong cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0 ở Việt Nam. Ông Hùng chỉ ra những thách thức lớn khi tài nguyên không còn là lợi thế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sống mở ra cho ngành vật liệu xây dựng cơ hội nâng cao trình độ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Hùng nhấn mạnh: “Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý vật liệu xây dựng sẽ tạo điều kiện thuận lợi về môi trường cho các doanh nghiệp được tiếp cận, tham gia và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vật liệu xây dựng đi tắt đón đầu công nghệ, ứng dụng những tiến bộ, thành tựu công nghệ của nhân loại, trước hết là công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ điều khiển và tự động hóa để nâng cao năng suất, hiệu quả trong sản xuất vật liệu xây dựng.
Trúc Mai