Số vụ vận chuyển trái phép pháo nổ gia tăng
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian gần đây hệ thống đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thường xuyên nhận được tin báo về tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tập trung chủ yếu tại một số tỉnh miền Trung và Tây Nam bộ. Nổi lên là các mặt hàng đường cát, thuốc lá, đồ uống (rượu, bia, nước ngọt), đồ điện tử đã qua sử dụng… và các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đặc biệt là mặt hàng pháo các loại.
Cụ thể, sáng ngày 12/1, tại vùng biển giáp ranh giữa hai huyện Tiên Yên và Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, Phòng Trinh sát (Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1) và Đoàn Trinh sát số 1 đã phối hợp mật phục, tiến hành truy đuổi một xuồng máy cao tốc có biểu hiện nghi vấn, đang sang mạn hàng hoá với một phương tiện khác.
Khi lực lượng Cảnh sát biển di chuyển đến gần vị trí, lợi dụng thời tiết sương mù, trời tối, gió mùa Đông Bắc, các đối tượng đã lên xuồng máy bỏ chạy.
Tại hiện trường, lực lượng Cảnh sát biển đã thu giữ được 1 mảng gỗ không có số hiệu, có gắn động cơ. Quá trình kiểm tra đã phát hiện trên mảng gỗ đang chở 45 hộp carton chứa pháo nổ mang nhãn hiệu Trung Quốc, tổng trọng lượng khoảng gần 300 kg.
Do đang vào những ngày cận Tết, rất nhiều đối tượng đang tìm cách “tuồn” các loại pháo nổ vào Việt Nam với số lượng lớn. Các đối tượng này đã “sáng tạo” rất nhiều hình thức che giấu trong quá trình vận chuyển, tiêu thụ, gây khó khăn cho lực lượng điều tra, vây bắt.
Cùng ngày, tại khu vực biên giới thuộc Thôn 3, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước; Đồn Biên phòng Bù Đốp chủ trì, phối hợp Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước phát hiện, bắt quả tang 3 đối tượng khi đang điều khiển xe ô tô vận chuyển trái phép pháo nổ từ khu vực biên giới vào nội địa Việt Nam.
Các đối tượng bị bắt giữ, gồm: Phạm Văn Vương sinh năm 1990, Lý Tiến Đạt sinh năm 1994 và Vũ Minh Hải sinh năm 1996, đều đăng ký thường trú tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
Tang vật thu giữ tại hiện trường, gồm: 83 khối hộp (tổng trọng lượng 150 kg, trong đó có 31 khối hộp hình thang, 52 khối hộp hình chữ nhật), 1 xe ô tô, hiệu TOYOTA INNOVA, biển kiểm soát 60A-413.94.
Bước đầu, các đối tượng bị bắt khai nhận: Số tang vật trên (83 khối hộp hình thang và hình chữ nhật, tổng trọng lượng 150 kg) đều là pháo nổ, có xuất xứ từ nước ngoài. Trước đó, 3 đối tượng điều khiển xe ô tô từ tỉnh Đồng Nai đến khu vực biên giới xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước liên hệ, mua số pháo nổ trên từ 1 đối tượng người Việt Nam (không rõ tên tuổi, địa chỉ cụ thể) với giá 49.000.000đồng để đưa về địa bàn nội địa Việt Nam bán kiếm lời. Khi đang điều khiển xe ô tô vận chuyển trái phép pháo nổ từ khu vực biên giới vào địa bàn nội địa Việt Nam tiêu thụ thì bị lực lượng Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ cùng toàn bộ tang vật.
Trước đó, ngày 11/1 Cục Hải quan tỉnh Nghệ An cũng đã phối hợp lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện 2 vụ vận chuyển hàng cấm, bắt 2 đối tượng, thu giữ hơn 64 kg pháo nổ các loại.
Kiểm soát chặt các tuyến biên giới
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, lợi dụng việc chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ, tại một số địa phương, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố tiếp giáp khu vực biên giới bắt đầu gia tăng tình trạng buôn bán, tàng trữ pháo nổ trái pháp luật.
Nhằm ngăn hàng lậu, hàng cấm, đặc biệt là các loại pháo từ nước ngoài vào Việt Nam, từ cuối tháng 12/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã ký ban hành Kế hoạch 119/KH-BCĐ389 về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Theo kế hoạch 119, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành và địa phương phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; chỉ đạo các lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đồng thời, xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, hàng hóa trọng điểm; tăng cường kiểm soát tại các khu vực cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường biển, đường sông, đường hàng không và các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tạp hóa... phân công rõ trách nhiệm quản lý, kiểm soát địa bàn cho từng cơ quan chức năng thuộc địa phương và của trung ương đóng tại địa bàn...
Trong đó cần tập trung vào các nhóm hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, có thuế suất cao và các mặt hàng tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán như: thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, pháo nổ, ngoại tệ, xăng dầu, gia súc, gia cầm, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp...
Đặc biệt, đối với các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang… cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, phối hợp giữa các lực lượng chức năng trên các tuyến biên giới.
Thành Nam