Chưa có nhiều yếu tố nổi trội

Tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội (tháng 10/2017), báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Chính phủ cho biết trong 13 chỉ tiêu Quốc hội giao có 05 chỉ tiêu vượt và 08 chỉ tiêu đạt. Trong đó tốc độ tăng GDP đạt 6,7%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 14,4%, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%...

Bước sang năm 2018, tại Kỳ hợp thứ 5 này, Chính phủ đã có báo cáo bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội 2017. Theo đó, có 6 chỉ tiêu cao hơn báo cáo ở Kỳ họp thứ 4.

Báo cáo mới cho biết, có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Trong đó, tốc độ tăng GDP đạt 6,81%, tốc độ tăng CPI khoảng 3,53%... 

Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chia sẻ: “Đã lâu lắm rồi chúng ta mới đạt kết quả như vậy. Đặc biệt, 3 chỉ tiêu quan trọng vượt mức Quốc hội giao: Tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP, tốc độ tăng giá tiêu dùng và tỷ lệ hộ nghèo. Đây là 3  chỉ tiêu toàn diện của nền kinh tế,  phản ánh cả kết quả phát triển kinh tế, an sinh xã hội và ổn định vĩ mô.

Cẩn trọng trong điều hành kinh tế - Hình 1

TS. Trần Đình Thiên: Hiện có 4 vấn đề nổi cộm, mang tính nền tảng, dài hạn của kinh tế Việt Nam không thể bàng quan.

Cũng theo ông Phương, chỉ duy nhất có một chỉ tiêu “giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP” đạt 0,5%, trong khi, chỉ tiêu được giao là  1,5%. Nguyên nhân chỉ tiêu không đạt được chỉ ra là các ngành sản xuất chậm triển khai ứng dụng và chuyển đổi các dây chuyền công nghệ sử dụng ít năng lượng.

“Để thực hiện được chỉ tiêu này phải có thời gian, cần chi phí lớn và sự thay đổi nhận thức của doanh nghiệp. Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang các dây chuyền công nghệ tiết kiệm năng lượng. Đây cũng là lý do Chính phủ đề xuất để lại chỉ tiêu này đánh giá trong kế hoạch 5 năm, thay vì năm một như hiện nay”, ông Phương nói.

Sang năm 2018, tăng trưởng kinh tế ghi nhận mức cải thiện ấn tượng, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi và được dự báo tiếp tục tăng trưởng cao. Tuy nhiên, cũng dự báo sẽ còn diễn biến khó lường, chứa đựng nhiều rủi ro và phức tạp.

Theo ông Phương, các quý còn lại của năm 2018 sẽ phải so sánh với một nền rất cao của năm 2017, nên kết quả sẽ chậm lại. Nếu muốn duy trì như mọi năm thì năm 2018 phải có yếu tố nổi trội. Nhưng, dù đã tổ chức rà soát, đánh giá động lực tăng trưởng, đến nay vẫn chưa nhìn thấy yếu tố nổi trội cho tăng trưởng năm 2018.  

Cụ thể, Samsung và Formosa là hai yếu tố đột biến làm nên tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2017. Bước sang năm 2018, dù Formosa đã công bố kế hoạch khởi động lò cao số 2 và Samsung cho biết tốc độ tăng trưởng của công ty nhưng so với mức độ đột biến năm 2017 thì “chưa chắc đã bằng”.

“Đối với động lực tăng trưởng như vậy, đánh giá tăng trưởng kinh tế, chưa thể có đột biến như năm 2017. Và kết quả đạt được năm nay, nếu so sánh với năm 2017, thì tốc độ tăng trưởng những quý cuối năm sẽ chùng xuống. Tuy nhiên, điều này là khách quan chứ không phải thể hiện nội lực nền kinh tế yếu đi”, ông Phương nhấn mạnh.

Trước tình hình này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ, yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải rà soát lại các dự án lớn đang trong quá trình triển khai. Dự án nào sắp hoàn thành thì phải đẩy nhanh tiến độ, đưa vào sản xuất để tạo thêm động lực cho nền kinh tế.

Đổi mới mô hình tăng trưởng

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại, để đuổi kịp được các quốc gia phát triển, Việt Nam phải duy trì tốc độ tăng trưởng GDP 8% liên tục trong vòng 10 hoặc 20 năm tiếp theo.

Ông Cung cho rằng, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam cần tập trung hoàn thiện thể chế tế thị trường, vì chỉ có kinh tế thị trường mới thúc đẩy được cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) cho rằng, với những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, chúng ta không được chủ quan, Chính phủ cần có những dự báo về tình hình khu vực và quốc tế. Trong lĩnh vực đã có thành tựu như: nông nghiệp, du lịch... cần có cơ chế ưu tiên để các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả. Ngoài ra, tập trung giải quyết những vấn đề kinh tế xã hội kịp thời, hiệu quả, đưa ra những chủ trương chính sách hợp với lòng dân để tạo sự đồng thuận.

Theo TS. Trần Đình Thiên, hiện có 4 vấn đề nổi cộm, mang tính nền tảng, dài hạn của kinh tế Việt Nam không thể bàng quan.

Thứ nhất, cơ cấu tăng trưởng kinh tế trong những năm qua chưa thay đổi căn bản. Chất lượng tăng trưởng vẫn còn rất thấp và chưa thực sự ổn định, bền vững. Để thay đổi được cơ cấu tăng trưởng thì phải tập trung tối đa cho tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng. Phải căn cứ vào các cam kết hội nhập cao nhất như CPTPP, VEFTA... để thay đổi cấu trúc thể chế và phát triển năng lực cho nhà nước và doanh nghiệp.

Thứ hai, tổng thể doanh nghiệp Việt Nam hiện nay năng lực yếu, sức cạnh tranh yếu. Theo đó, tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm 27-28% GDP, khu vực kinh tế hộ gia đình có quy mô rất nhỏ nhưng lại là khu vực sản xuất chiếm nhiều GDP nhất (khoảng 32% GDP). Khu vực đầu tư nước ngoài đóng góp 18% GDP, khu vực tư nhân chỉ 8% GDP. Biện pháp đưa ra là phải làm lại chiến lược phát triển kinh tế dựa trên hai nền tảng: Phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt, bằng cách thay đổi tư duy chiến lược FDI và doanh nghiệp nhà nước, thay vào đó là chiến lược doanh nghiệp tư nhân; phải xây dựng lực lượng doanh nghiệp hiện đại.

Thứ ba, bộ máy nhà nước hiện đang cồng kềnh, mang nặng cơ chế xin cho, cùng với các “căn bệnh” về tiền lương, biên chế, họp hành, hệ thống trách nhiệm… vẫn chưa được giải quyết. Giải pháp đưa ra, các bộ, ngành tăng cường cắt giảm biên chế. Nhưng việc này xuất phát từ thực trạng thiếu lương, ngân sách hạn hẹp chứ không xuất phát từ việc cá nhân không đáp ứng được công việc nên hiệu quả mang lại chưa cao. Do đó, cần đẩy mạnh, quyết liệt hơn nữa trong công tác cải cách hành chính, pháp luật; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.

Thứ tư, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp do cấu trúc nền kinh tế những năm qua chỉ tập trung vào doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước với nguồn nhân lực chủ yếu là lao động phổ thông, trình độ thấp.

"Thực tế Việt Nam, môi trường cạnh tranh không cao, chưa nỗ lực chuẩn bị nhân lực phát triển các ngành công nghệ cao. Giải pháp, cần thúc đẩy xu thế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh và thay đổi phần gốc là cấu trúc nền kinh tế, theo đó chú trọng đầu tư vào kinh tế tư nhân, lấy kinh tế tư nhân là nền tảng để phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt có trình độ cao", TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Hoan Nguyễn