Những năm qua, cứ đếp ngày Tết ông Công, ông Táo, thì không thiếu những hình ảnh nhiều người thản nhiên đốt vàng mã ngay trên vỉa hè, dưới lòng đường, dưới gốc cây mà không dùng lư hay lò hóa vàng, hoặc có bất cứ việc che chắn… tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.
Nhằm hướng tới việc chấn chỉnh, giúp cho hoạt động mang tính tâm linh đi vào nền nếp hơn, ngày 1/9/2010, Chính phủ ban hành Nghị định 75/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa. Nghị định quy định người dân đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử-văn hóa sẽ bị phạt tiền, việc rải vàng mã trong đám tang cũng sẽ bị xử phạt.
Năm 2013, tại Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh các quy định này. Ở cấp địa phương, năm 2014 Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 08/2014/NQ-HĐND nhằm thực hiện các quy định của Chính phủ.
Vàng mã phải được đốt trong các lư hương, các thùng, các đỉnh làm bằng vật liệu không cháy...
Song, thực tế hoạt động đốt vàng mã trên hè phố, gây nguy cơ về cháy nổ đã diễn ra nhiều năm không được nhắc đến. Nhiều cán bộ ở các phường chia sẻ, chỉ biết trông vào ý thức của người dân chứ không thể đi nhắc nhở, xử phạt được vì thiếu chế tài.
Đặc biệt do thói quen đốt vàng mã mang tính tâm linh tồn tại lâu trong tiềm thức người dân do đó ngăn chăn cháy nổ do đốt vàng mã chủ yếu dựa vào việc tuyên truyền.
Đơn cử, việc đốt vàng mã một cách thiếu ý thức, đã từng gây ra hàng loạt các vụ hỏa hoạn những năm qua. Điển hình như vụ cháy nhà ở ngõ 25 phố Tống Duy Tân vào năm 2013; cháy nhà ở dốc Thọ Lão (phường Đồng Nhân) vào năm 2015; cháy xe máy trên phố Minh Khai (Hà Nội) vào đầu năm 2016.
Xa hơn, một vụ hỏa hoạn được kết luận do đốt vàng mã vào năm 2013 đã thiêu rụi tám căn nhà và sáu xe máy tại TP. Hồ Chí Minh; hay vụ cháy xe bồn và cây xăng vào tháng 8/2016 tại Quảng Ninh…
Trước đây người dân chỉ đốt một ít tiền giấy, thì đến nay nhiều gia đình còn đốt cả hình nhân, nhà lầu, xe hơi, xe máy, ngựa, voi… bằng giấy. Có nghĩa là mức độ của đám lửa đốt lớn hơn, khói bụi và nguy cơ xảy ra hỏa hoạn cũng tăng lên.
Ðể hạn chế việc gây lãng phí, ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ trong ngày Tết ông Công, ông Táo và dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2019, thiết nghĩ người dân cần đốt vàng mã theo đúng cách, đốt trong các lư hương, các thùng, các đỉnh làm bằng vật liệu không cháy..., tuyệt đối không nên đốt tràn lan trên vỉa hè, dưới lòng đường, dưới gốc cây.
Tuấn Ngọc