Ngay sau khi phát hiện Fanpage giả mạo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao đã phối hợp với cơ quan Công an để xác minh làm rõ đối tượng giả mạo. Đồng thời thường xuyên tuyên truyền, đăng tải các thông tin chính thống về tình hình mưa lũ, các chỉ đạo của lãnh đạo huyện và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Lâm Thao; đăng thông tin cảnh báo về nội dung giả mạo trên Fanpage chính thống có tên “Mặt trận Lâm Thao” và Cổng Thông tin điện tử huyện Lâm Thao tại địa chỉ: https;//lamthao.phutho.gov.vn

Trang Fanpage giả mạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao kêu gọi ủng hộ
Trang Fanpage giả mạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao kêu gọi ủng hộ.

Không chỉ tạo ra những trang fanpage giả mạo, nhằm trục lợi tiền từ thiện, nhiều đối tượng còn sử dụng mạng xã hội đăng tải những thông tin sai lệch về tình hình bão lũ tại nhiều địa phương trong tỉnh Phú Thọ như Hạ Hòa, Cẩm Khê, Yên Lập, Tam Nông, Lâm Thao… 

Đặc biệt, lợi dụng sự cố cầu Phong Châu bị gãy trụ T7 và làm sập 2 nhịp dàn chính vào sáng ngày 9/9/2024, một số đối tượng đã đăng ngay thông tin sai lệch “Vỡ đập ở Yên Lập”, “Bão lũ ở Hạ Hoà”, thậm chí đăng cả clip giả mạo cứu nạn đối với xe ô tô con trong sự cố sập cầu Phong Châu…

Sở Thông tin và Truyền thông Phú Thọ khuyến cáo, trong thời điểm này, khi tiếp cận với thông tin trên mạng xã hội, người dân cần chọn lọc thông tin, không chia sẻ những thông tin thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng; nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt bởi mưa lũ vào các tài khoản tiềm ẩn nguy cơ rủi ro.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh việc chia sẻ, lan tỏa rộng rãi các thông tin cảnh báo, giúp người dân tiếp cận với các nguồn thông tin một cách chính thống và chính xác. Cùng với đó, việc phát hiện và báo cáo các trang mạo danh, lừa đảo cũng là một cách để góp phần bảo vệ cộng đồng.

Minh Đức