Doanh nghiệp “gồng mình” vượt khó
Trong bối cảnh, thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn do những vướng mắc về pháp lý, tín dụng bị siết chặt, nhà đầu tư và khách hàng khủng hoảng niềm tin. Các doanh nghiệp phải “xoay xở" bán hàng, chí phí mặt bằng, lương nhân viên… là những áp lực không hề nhỏ đối với các doanh nghiệp BĐS thời gian qua.
Để có thể duy trì hoạt động, nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận vay tín dụng với lãi suất ngất ngưỡng; một số công ty phải điều chỉnh phương án kinh doanh, thu hẹp ngành nghề, quy mô, địa bàn hoạt động. Thậm chí, một số doanh nghiệp rơi vào cảnh phải tạm dừng đóng cửa, cắt giảm nhân sự để cầm cự.
Điển như, Công ty CP Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC) ở TP. HCM phát đi thông báo ngừng hoạt động và cho toàn bộ cho nhân viên nghỉ việc không lương cho đến khi có thông báo mới. Nguyên nhân là do nguồn tài chính của doanh nghiệp này vô cùng khó khăn, không có nguồn thu để chi trả.
HDTC cho biết, để phù hợp với tình hình hoạt động của công ty trong thời gian hiện nay, HĐQT đã thống nhất sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, chỉ giữ lại những nhân sự chủ chốt để củng cố công ty trong giai đoạn trước mắt. Vì vậy, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HDTC thông báo toàn thể cán bộ, nhân viên đang làm việc tại HDTC, chi nhánh công ty tạm thời nghỉ không hưởng lương để chờ việc, kể từ ngày 26/11/2023 cho đến khi công ty có thông báo mới.
Hay, Tập đoàn Đất Xanh Group cũng đang cắt giảm lượng lớn nhân sự. Số lượng nhân viên của tập đoàn là hơn 2.480 người, giảm gần 1.300 nhân sự so với thời điểm đầu năm.
Tập đoàn Đất Xanh Group cũng đang tái cơ cấu đối với 8 công ty con, gồm: Công ty CP Đầu tư BĐS Miền Đông, Công ty CP Đầu tư Kinh doanh BĐS Đông Nam Bộ, Công ty TNHH Đất Xanh Finance, Công ty CP Đầu tư Kinh doanh BĐS Bình Phước, Công ty CP Đầu tư Diamond Tower, Công ty CP Đầu tư Ruby Tower, Công ty CP Đầu tư Shapphire và Công ty CP Đầu tư Emerald Tower.
Bên cạnh đó, một nhóm các doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp cận được với nguồn vốn, đủ khả năng để hấp thụ nguồn vốn lại đang bị vướng mắc về pháp lý. Một nhóm các doanh nghiệp đã sẵn sàng để tiếp cận với nguồn vốn lại gặp khó khăn do khó hấp thụ vì lãi suất vẫn đang ở ngưỡng cao so với khả năng chịu đựng của doanh nghiệp. Một nhóm các doanh nghiệp còn lại thậm chí chưa đủ điều kiện để có thể vượt qua vòng thẩm định hồ sơ để tiếp cận nguồn vốn do vẫn còn tồn nhiều khoản nợ đọng trước đó, có nguy cơ gây rủi ro cho ngân hàng.
Điều này, khiến nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn mới để triển khai dự án, phát triển kinh doanh. Để doanh nghiệp hấp thụ được nguồn vốn mới đòi hỏi các vấn đề của thị trường phải được giải quyết một cách triệt để.
Để thị trường BĐS sớm hồi phục, phát triển lành mạnh và bền vững, mới đây, Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA) đã có văn bản gửi lãnh đạo các Tập đoàn, doanh nghiệp BĐS đề nghị cơ cấu lại phân khúc thị trường và giảm giá bán sản phẩm nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân để cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Theo HoREA, thị trường BĐS hiện nay đang rất thiếu loại nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân, thậm chí như tại TP. HCM đã vắng bóng loại nhà ở bình dân trong 3 năm gần đây.
Điển hình là tại TP. HCM thì phân khúc nhà ở cao cấp năm 2020 chiếm tỷ lệ 70%, năm 2021 chiếm tỷ lệ 72%, năm 2022 chiếm tỷ lệ 78,2% và 9 tháng đầu năm 2023 vẫn chiếm tỷ lệ 66,37%.
Trong khi đó, phân khúc nhà ở trung cấp năm 2020 chiếm tỷ lệ 29%, năm 2021 chiếm tỷ lệ 28%, năm 2022 chiếm tỷ lệ 21,8% và 9 tháng đầu năm 2023 chiếm tỷ lệ 33,63%.
Đáng quan ngại là phân khúc nhà ở bình dân năm 2020 chỉ có 163 căn hộ chỉ chiếm tỷ lệ 1% và trong các năm 2021, 2022 và 9 tháng đầu năm 2023 thì không còn căn hộ nhà ở bình dân.
Do đó, HoREA đề nghị doanh nghiệp BĐS thực hiện giảm giá bán sản phẩm nhà ở, giảm bớt kỳ vọng lợi nhuận, không “neo giữ giá cao”. Kêu gọi các doanh nghiệp BĐS tăng chiết khấu và có các chính sách khuyến mãi, hậu mãi nhằm kích cầu tiêu dùng trên thị trường BĐS để tăng niềm tin thị trường, tạo dòng tiền và thanh khoản cho doanh nghiệp theo kinh nghiệm là “thà bán lỗ còn hơn vay lời”.
Bên cạnh đó, đề nghị các Tập đoàn, doanh nghiệp BĐS cần chuyển hướng đầu tư về phân khúc nhà ở bình dân giá vừa túi tiền phù hợp với thu nhập của người dân và tham gia thực hiện “Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030” để có thể tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất thương mại thông thường, nhất là đối với các Tập đoàn, doanh nghiệp BĐS đã đăng ký tham gia Chương trình này.
Thị trường bắt đầu khởi sắc - cẩn trọng dự án “ma”
Thị trường BĐS dịp cuối năm 2023 đã bắt đầu rục rịch có nhiều giao dịch trở lại bởi những nỗ lực duy trì hoạt động, tạo thêm niềm tin cho khách với các chính sách bán hàng như: Hỗ trợ vay vốn ngân hàng lên đến 80%, chiết khấu % cao, hỗ trợ lãi suất ngân hàng, kéo dài tiến độ thanh toán, hỗ trợ lãi suất và ân hạn nợ gốc sau thời điểm nhận nhà… của các chủ đầu tư có năng lực, uy tín trên thị trường.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn khuyến nghị, yếu tố pháp lý cần được đặt lên đầu tiên nếu như nhà đầu tư đang tìm kiếm dự án BĐS để xuống tiền. Các yếu tố khác như vị trí, giá… cần được đặt sau. Mặc dù, ở thời điểm hiện tại, tâm lý vào bắt đáy xuất hiện, song việc chỉ quan tâm đến giá và mức độ cắt lỗ để xuống tiền có thể đẩy người mua vào “bẫy” dự án ma.
Như mới đây, Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt quả tang thành viên Công ty Lộc Phúc tổ chức “sàn giao dịch” lừa đảo mua bán đất tại dự án “ma”.
Công ty Lộc Phúc có địa chỉ tại số 34, Tiền Giang, P.2, Quận Tân Bình, TP. HCM do Nguyễn Văn An (27 tuổi) làm Tổng giám đốc, có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Qua công tác nghiệp vụ, Ban Chuyên án phát hiện Công ty Lộc Phúc đang tổ chức sự kiện mở “sàn giao dịch” để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại một “dự án ma” thuộc xã An Viễn, H.Trảng Bom (Đồng Nai).
Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát Cơ động, Công an H.Trảng Bom đã chia thành nhiều tổ công tác, ập vào khống chế bắt quả tang đối tượng Nguyễn Văn An, Tổng giám đốc Công ty Lộc Phúc cùng 185 đối tượng liên quan (trong đó, có 122 nhân viên, 20 đối tượng được thuê đóng giả khách hàng, 43 khách hàng là nạn nhân của công ty) đưa về Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đấu tranh, làm rõ.
Đồng thời, một tổ công tác khác đã phối hợp với Công an TP. HCM tiến hành khám xét trụ sở Công ty Lộc Phúc, niêm phong, thu giữ 50 thùng tài liệu, nhiều máy tính, thiết bị điện tử, hơn 2,4 tỷ đồng, 18 ngàn yên Nhật; 3,5 ngàn USD; 24,3 lượng vàng; 2 xe ô tô 4 chỗ ngồi; 5 xe ô tô loại 52 chỗ để phục vụ công tác điều tra, mở rộng chuyên án.
Hay tại Bình Dương, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Minh (SN 1983, quê tỉnh Nghệ An) để điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra, Nguyễn Văn Minh là Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Phúc Anh, địa chỉ Lô M6, đường Đồng Khởi, phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, (Bình Dương).
Công an Bình Dương nhận định, sau khi môi giới bán một thửa đất tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, mặc dù không phải là chủ đất, nhưng Nguyễn Văn Minh đã tự ý phân thành 7 lô đất nhỏ và đưa thông tin gian dối Công ty Phúc Anh là chủ sử dụng các lô đất để chào bán cho khách hàng.
Minh đã sử dụng pháp nhân Công ty Phúc Anh ký hợp đồng chuyển nhượng 1 lô đất trên thửa đất trên cho bà H. (Ngụ TP. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) với giá trị 900 triệu đồng.
Dù đã nhận đủ tiền nhưng Nguyễn Văn Minh không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Khi đòi lại tiền từ Minh cũng không được nên bà H đã đến cơ quan công an để tố cáo.
Ts. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hôi Môi giới BĐS Việt Nam (VARs) cho biết: Cần cấp thiết tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát, quy trách nhiệm với tất cả đối tượng tham gia các giao dịch liên quan đến sản phẩm BĐS.
Trong giai đoạn trước, thị trường sôi động, nhiều người “đổ xô” mua bất động sản. Đánh vào niềm tin và nhu cầu của người dân, không ít các công ty BĐS "nói một đằng, làm một nẻo", lập ra "dự án ma", đưa ra thị trường những sản phẩm nhập nhèm về điều kiện bán hàng hoặc thiếu các thủ tục pháp lý... rồi sử dụng chiêu bài "chim mồi" và hiệu ứng đám đông để câu khách hàng.
Mặc dù sau đó, hàng loạt dự án “ma” bị xử phạt, các cơ quan chức năng đã đưa ra cảnh báo nhưng tình trạng nhiều người bị “lùa” vẫn xuất hiện với hình thức lừa đảo tinh vi. – ông Đính chia sẻ.
Do đó, khách hàng cần có tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng về hồ sơ pháp lý của sản phẩm cũng như giao dịch với những chủ đầu tư, môi giới có uy tín. Ngoài ra, các công ty cũng phải có trách nhiệm tư vấn chi tiết về pháp lý cho sản phẩm mình rao bán.
Vửa qua, Văn phòng UBND TP. HCM có công văn truyền đạt chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường về việc Viện Kiểm sát Nhân dân Tp.HCM kiến nghị áp dụng các biện pháp phòng ngừa hành vi lừa đảo thông qua mua bán đất nền, căn hộ.
Viện Kiểm sát Nhân dân TP. HCM nêu một số hành vi lừa đảo qua mua bán đất nền, căn hộ. Cụ thể, đối với việc phân lô, bán đất nền, trong nhiều vụ án, các đối tượng chưa hoàn tất thủ tục mua bán đất nền chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thậm chí, nhiều trường hợp các đối tượng chỉ mới thực hiện việc đặt cọc chuyển nhượng đất, chưa có văn bản xin chủ trương đầu tư dự án. Các dự án hầu hết đều là đất nông nghiệp chưa được chuyển mục đích sang đất ở, chưa thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng mà chỉ dừng ở việc chặt cây, san lấp mặt bằng...
Các đối tượng tự vẽ, lập các dự án không có thật, tự lập bản vẽ chi tiết 1/500 thể hiện kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công hình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và bản đồ phân lô... rồi tổ chức quảng cáo rầm rộ, chuyển nhượng cho các cá nhân để nhận tiền và chiếm đoạt.
Tuấn Dũng