Đồng loạt giảm giá khủng
Dạo qua các con phố trên địa bàn Hà Nội như Linh Đàm, Thái Hà, Cầu Giấy, Văn Cao... không khó để bắt gặp những biển hiệu đồng loạt treo biển giảm giá, khuyến mại để thu hút khách hàng như xả kho, mua 2 tặng 1, sale off (giảm giá) 10% - 70%, sale off toàn bộ cửa hàng…
Không khó để thấy những biển quảng cáo giảm giá, khuyến mại vào mùa Tết xuất hiện trên khắp phố phường.(Ảnh Trang Nguyễn)
Nhiều cửa hàng thời trang có quan niệm buôn bán cả năm cũng không bằng vài ngày Tết, chính vì vậy mà đa số hệ thống bán buôn, bán lẻ đua nhau giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng, gia tăng doanh thu. Với hàng loạt lý do các thương hiệu áp dụng giảm giá bất chấp quy định của pháp luật như: do cuối mùa cần thanh lý sản phẩm, thải hàng tồn, giảm giá, thanh lý mặt bằng, xả kho… Trước một "rừng" biển quảng cáo giảm giá cực sốc, phần nào đó đã thu hút được lượng khách tìm đến cửa hàng lựa chọn sản phẩm… nhưng cũng khiến khách hàng nghi ngại, ‘hoa mắt chóng mặt’ vì ‘ma trận’ giảm giá trên.
Đang dạng chương trình khuyến mãi cho người tiêu dùng lựa chọn (Ảnh: Trang Nguyễn)
Một nhân viên bán hàng trên phố Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, sát tết là dịp bán hàng chạy nhất, từ sinh viên đến dân công sở đều đi mua quần áo, chính vì thế nhiều cửa hàng đã bắt đầu sale mạnh nhiều sản phẩm để thu hút người mua.
Tương tự, một nhân viên bán đồ nữ phố Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, các mặt hàng hiện nay đang được giảm giá chủ yếu là các loại áo khoác dạ dài, váy, sơ mi, áo len… mức giá dao động từ khoảng 400.000 đồng đến dưới 2 triệu đồng, giảm 30% -50% trên mỗi sản phẩm. Việc đưa ra các chương trình khuyến mại ngoài để thu hút khách hàng còn là sự cạnh tranh giữa các cửa hàng.
Trước tình trạng giảm giá, khuyến mãi "choáng ngợp", người tiêu dùng tha hồ lựa chọn để mua sắm, tuy nhiên không ít người có phần dè chừng với thông tin giảm giá trên.
Thực tế cho thấy, nhiều cửa hàng lợi dụng không khí nhộn nhịp mua sắm trong dịp cận Tết Nguyên đán đã trà trộn hàng chất lượng kém vào hàng thương hiệu bằng cách gắn mác mới để “ăn theo”, hoặc nâng giá lên cao rồi hạ xuống thấp - gọi là giảm giá.
Giảm giá siêu sâu, khách hàng bị lừa?
Cũng theo ghi nhận của phóng viên, ngoài mức giảm giá các mặt hàng từ 10% đến 50%, thì một số cửa hàng hay thương hiệu thời trang cũng công khai giảm giá từ 50% đến 70%. Hàng loạt chương trình khuyến mại đang được áp dụng đồng loạt vào dịp cận Tết Nguyên đán, với muôn vàn lý do các nhà bán lẻ đưa ra như giảm giá sâu để thanh lý sản phẩm, tri ân khách hàng dịp cuối năm. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng lo ngại cho rằng, các nhãn thời trang có thực sự là giảm giá để tri ân khách hàng? Hay là nâng giá niêm yết rồi giảm giá sâu để “qua mắt” người tiêu dùng?
Nhiều hãng thời trang giảm giá 'khủng' vào dịp cuối năm (Ảnh Trang Nguyễn)
“Tranh thủ trưa mình chạy ra mấy cửa hàng gần công ty xem, cũng thấy treo hàng loạt biển giảm giá từ 30 – 50% “toàn bộ cửa hàng”. Thế nhưng, đi xem 1 vòng thì các mặt hàng được giảm sâu như trên chủ yếu là hàng hè còn tồn, các mẫu còn size bé quá hoặc to quá không bán được, các mẫu từ đầu đông và một vài mẫu từ mùa đông năm ngoái chưa bán hết" - Chị Thu Nguyên (Ngã Tư Sở - Hà Nội) chia sẻ.
Đa dạng các loại mặt hàng sale dịp Tết (Ảnh: Trang Nguyễn)
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đưa ra nhận định: “Người tiêu dùng quan tâm giảm giá có thực chất hay không, có mang tính chất là bán hàng tồn kho, hàng tồn hết đát hay không… Người tiêu cùng càng sợ tình trạng nâng giá sản phẩm lên rồi hạ giá xuống, mà khi hạ giá còn đắt hơn cái giá ban đầu, điều này trong thực tế đã xảy ra".
Cũng theo ý kiến của ông Phú đa dạng hình thức khuyến mãi từ hiện vật đến tích điểm thẻ, giảm tiền thanh toán. Người tiêu dùng thấy khuyến mãi thì sẽ thấy thích, nhưng hãy thực sự tỉnh táo để biết có giảm giá thật không. Bởi hiện nay chương trình khuyến mại có 4, 5 vấn đề từ khuyến mại thực, khuyến mại ảo, khuyến mại có thể lừa người tiêu dùng, khuyến mại chưa công khai minh bạch.
Trên thực tế, thiết kế thời trang là lĩnh vực thay đổi theo từng năm, nhiều mặt hàng nếu không bán được sang năm sau sẽ trở thành hàng lỗi mốt, giá giảm mạnh. Chính vì thế Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đưa ra khuyến cáo: Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ lựa chọn cửa hàng, đơn vị kinh doanh uy tín trước khi giao dịch, ưu tiên giao dịch. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho rằng, cần thực hiện việc đánh giá và kiểm tra lại các thông tin do doanh nghiệp công bố trong sự kiện, đặc biệt là liên quan đến giá cả.
Trang Nguyễn