Theo phản ánh của bạn đọc, thời gian qua tại địa 32 Thi Sách (Hai Bà Trưng – Hà Nội) có một cơ sở tư nhân về răng không đủ điều kiện nhưng vẫn hoạt động hành nghề, điều này đã gây nên sự cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn cho các phòng khám đã được cấp phép hoạt động, cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bệnh nhân, gây bức xúc cho dư luận.
Cụ thể, viện nha khoa thẩm mỹ Quốc tế Davina Dentist chưa có phép nhưng vẫn nhận khách làm răng, bọc răng sứ, tiêm filler... cho khách hàng.
Để làm rõ thông tin, trong vai khách hàng có nhu cầu bọc răng sứ, phóng viên liên hệ đến số hotline của cơ sở Davina, nhân viên tư vấn có nhận khách hàng làm răng tại cơ sở cùng với bác sĩ uy tín nhiều năm kinh nghiệm.
Cơ sở Davina Dentist không phép – khai trương rầm rộ
Có mặt tại số 32 Thi Sách, phóng viên được nhân viên tư vấn: “Răng sứ hiện tại có gía từ 1,5 triệu đến 25 triệu đồng tuỳ loại. Thời gian làm răng mất hai ngày và phải mài răng.... chúng em cam kết độ bền vĩnh cửu.”
Không những thế, để khẳng định về chất lượng, nhân viên đưa ra hàng loạt ảnh khách hàng đã làm tại đây. Bên cạnh đó, cô này còn khẳng định tất cả dịch vụ đều làm tại 32 Thi Sách.
Theo ghi nhận, nha khoa này hoạt động tất cả các ngày, quảng cáo liên tục trên facebook. Điều khó hiểu hơn, mặc dù chưa có phép nhưng nha khoa Davina lại lọt vào top 6 địa chỉ bọc răng sứ tốt nhất quận Hoàn Kiếm?
Theo Thông tư số 41 năm 2011 của Bộ Y tế thì mỗi phòng khám phải hội tụ đủ những tiêu chí như: Có diện tích tối thiểu khoảng 40m2, được phân thành 3 khu vực riêng biệt để tránh “lây nhiễm chéo” (gồm phòng chờ, khu khám bệnh và khu vực làm các thủ tục nha khoa). Đó là chưa kể phòng khám phải có các thiết bị chuyên dùng và đặc biệt phải có bác sĩ có chứng chỉ hành nghề… Tuy nhiên, trên thực tế, cơ sở nha khoa Davina hầu như chưa đáp ứng được đủ các tiêu chí trên.
Trao đổi nhanh với ông Nguyễn Quang Trung (Trưởng Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội): “Cơ sở nha khoa Davina đã nộp hồ sơ, nhưng chưa hoàn thiện. Hiện Sở Y tế vẫn chưa cấp phép...”
Quảng cáo rầm rộ những dịch vụ chui
Nghề y là nghề liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người nên các cơ sở y tế tư nhân cần hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Đã có không ít vụ tai nạn, sự cố dẫn đến chết người tại một số cơ sở hành nghề y dược hoạt động khi chưa được cấp phép và chính điều này đã góp phần tạo nên luồng dư luận không tốt về công tác quản lý. Phải chăng chủ cơ sở và người quản lý nha khoa thẩm mỹ Quốc tế Davina Dentist lại chưa rút ra được các bài học từ các vụ việc đã xảy ra?.
Mặc dù đang chờ thẩm định và cấp giấy phép nhưng cơ sở Davina đã đi vào hoạt động bình thường.
Phòng khám hiện vẫn quảng cáo rầm rộ, giá dịch vụ rẻ với nhiều kĩ thuật hiện đại, chữa trị được những ca khó, đòi hỏi kỹ năng cao, nằm ngoài khả năng của một phòng khám.
Cơ sở nha khoa Davina hoạt động công khai trong thời gian dài, nhưng không hiểu sao lại không bị cơ quan chức năng phát hiện xử lý? Trong khi đó, quy định của pháp luật đối với phòng khám chuyên khoa Răng - Hàm - Mặt (cả về chuyên môn và trang thiết bị của phòng khám) là rất chặt chẽ.
Có thể thấy Nha khoa thẩm mỹ Quốc tế Davina tọa lạc trên trục đường chính Thi Sách, biển quảng cáo treo và phô trương, ai cũng có thể thấy. Thế nhưng lực lượng chức năng và chính quyền các địa phường lại buông lỏng quản lý, không phát hiện ra cơ sở này không phép và có phát hiện thì cũng thiếu những giải pháp quyết liệt (chủ yếu là nhắc nhở, xử lý không nghiêm minh) để dẹp bỏ là nguyên nhân chính khiến các phòng khám không phép vẫn ngang nhiên hoạt động.
Không ít những sự việc đã được cảnh báo xuất phát từ những cơ sở hoạt động chui. Tuy nhiên chỉ khi xảy ra sự việc liên quan đến tính mạng con người cơ quan chức năng mới gắt gao vào cuộc. Chính vì thế đã vô tình để lọt nhưng đơn vị không phép như thế này hoặc cố tình “nhắm mắt cho qua”.
Đề nghị Sở y tế Hà Nội vào cuộc kiểm tra xử lý, nếu đơn vị đáp ứng đủ yêu cầu thì cấp phép để thẩm mỹ hoạt động, không đủ điều kiện mà cố tình hoạt động thì cần xử lý nghiêm, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
"Theo quy định tại Điểm a Khoản 6 Điều 29 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế:
“6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a. Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động; …”.
Ngoài ra, còn bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng.
Thứ hai, đối với hành vi khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề
Điểm a Khoản 5 Điều 28 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi “Hành nghề không có chứng chỉ hành nghề”.
Trang Nguyễn