Tối ngày 24/11, tại sân tượng đài Bác Hồ, TP. Cao Bằng sẽ diễn ra lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Đây là công viên địa chất toàn cầu thứ 2 ở Việt Nam sau Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Đèo Mã Phục thuộc địa phận xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, Cao Bằng. (Ảnh: Hoàng Phi)
Với 3.275 km2 trải dài trên địa bàn 9 huyện của tỉnh Cao Bằng, Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng là nơi sinh sống của 250.000 người thuộc 9 dân tộc ít người.
Không những vậy, nơi đây còn là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử với hơn 215 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam. Với hơn 130 điểm di sản địa chất độc đáo, với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi hết sức phong phú, đa dạng, như các tháp, nón, thung lũng, hang động, hệ thống hồ, sông, hang ngầm liên thông…
Cũng trong dịp này, ngày 25/11, tỉnh sẽ tổ chức hội nghị Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Cao Bằng năm 2018. Hội nghị giới thiệu tổng quan về tình hình kinh tế - xã hội Cao Bằng; đánh giá cơ hội hợp tác phát triển thương mại du lịch và kinh tế đối ngoại của Cao Bằng; triển vọng kết nối hành lang Kinh tế mới từ các tỉnh Tây, Tây Nam Trung Quốc đến Việt Nam và ASEAN; kết nối Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng vào mạng lưới công viên địa chất toàn cầu; cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh…
Bên cạnh đó, từ ngày 23 - 26/11, Tuần văn hóa - thể thao & du lịch non nước Cao Bằng sẽ diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn. Có thể kể đến Triển lãm ảnh miền đất và con người Việt Bắc với chủ đề “Trải nghiệm Việt Bắc - Khám phá non nước Cao Bằng”.
Trong khuôn khổ tuần văn hóa còn diễn ra chương trình biểu diễn văn nghệ dân gian và trình diễn trang phục dân tộc, thi đấu các môn thể thao của 6 tỉnh Việt Bắc; giới thiệu du lịch ẩm thực vùng Việt Bắc; trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch..
Hoàng Hà