Cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở địa phương
Cây thạch đen còn có tên gọi là cây lương phấn thảo hay cây sương sáo. Đây là loại cây thân thảo thấp, chiều cao trung bình từ 40-60cm. Lá của nó có vị ngọt, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, giúp hạ huyết áp, trị cảm mạo, đau khớp.
Thạnh An là địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với việc phát triển cây thạch đen, những năm gần đây, huyện Thạch An đã vận động nhân dân đầu tư, mở rộng diện tích, tìm kiếm thị trường để bao tiêu sản phẩm.
Cây thạch dễ trồng ở nhiều địa hình khác nhau, có thể trồng dưới ruộng, trên nương, bìa rừng hoặc xen canh với các cây trồng khác, tập trung nhiều nhất ở các xã: Đức Thông, Trọng Con, Minh Khai, Canh Tân. Nhờ trồng thạch đen, nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, thu nhập ổn định. Từ cây “xóa đói, giảm nghèo”, hiện thạch đen trở thành cây “làm giàu” của nhiều hộ gia đình.
Xác định cây thạch đen có giá trị kinh tế cao, là cây trồng chủ lực phát triển kinh tế, thúc đẩy giảm nghèo nhanh, bền vững, huyện Thạch An (Cao Bằng) đã đồng bộ thực hiện các giải pháp mở rộng diện tích, nâng cao năng suất cây trồng, chất lượng sản phẩm.
Đến nay, cây thạch đen được xuất khẩu đi nhiều nước; sản phẩm thạch đen chế biến từ cây thạch với vị ngọt mát, thanh đạm, giải nhiệt được thị trường trong nước ưa chuộng, đầu ra ổn định, tạo triển vọng lớn cho cây “giảm nghèo” ở Thạch An.
Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây thạch đen
Giai đoạn 2021 – 2025, huyện Thạch An tiếp tục xác định cây thạch đen là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế của huyện. Để phát triển và nâng cao giá trị sản xuất cho cây thạch đen, yếu tố quan trọng nhất là khâu tìm đầu ra tiêu thụ ổn định cho sản phẩm, giúp người dân yên tâm sản xuất, mở rộng diện tích trồng cây thạch đen. Để tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định thì định hướng xuất khẩu chính ngạch đối với các sản phẩm từ cây thạch đen là cần thiết.
Cây thạch đen đã và đang trở thành cây trồng hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Cây thạch đen được xuất khẩu đi nhiều nước; sản phẩm thạch đen chế biến từ cây thạch có vị ngọt mát, thanh đạm, giải nhiệt được thị trường trong nước ưa chuộng, đầu ra ổn định, tạo triển vọng lớn cho cây thạch đen. Tuy nhiên các thị trường nước ngoài đang ngày càng thắt chặt đối với sản phẩm nông sản Việt Nam. Do đó cần chú trọng đến công tác tuyên truyền cho các hộ sản xuất kinh doanh thạch về chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó giúp nâng cao vị thế và uy tín của sản phẩm thạch đen.
Nghiên cứu công nghệ sản xuất một số sản phẩm từ cây thạch đen thành hàng hoá, phát triển nguồn gen cây thạch đen sẽ mở ra cơ hội giúp thạch đen Thạch An thâm nhập được vào các thị trường mới và tạo hướng phát triển bền vững, từng bước thay đổi hợp lý cơ cấu cây trồng.
Trong đó xúc tiến thương mại thông qua các kênh thông tin, chợ đầu mối tiêu thụ sản phẩm, tuyến siêu thị để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Từ đó nâng cao được đời sống cho nhân dân giúp cho công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện một cách bền vững.
Hà Trần