Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP được trưng bày, giới thiệu và bán tại nhiều điểm du lịch, cửa hàng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP được trưng bày, giới thiệu và bán tại nhiều điểm du lịch, cửa hàng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng..

Nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm đặc trưng

Thực tế cho thấy, muốn phát triển bền vững, du lịch buộc phải có sản phẩm đặc trưng được du khách ưa chuộng. Sau 02 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay tỉnh Cao Bằng đã có 58 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 3 sản phẩm xếp hạng 4 sao gồm: sản phẩm chiếu trúc và chiếu trúc hoạt hóa; Lan's Homestay.

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm được chứng nhận 3 sao đã tạo tiếng vang từ lâu như: gạo nếp Hương Bảo Lạc; thịt xông khói, lạp sườn; miến dong; thạch đen; bánh nướng Thu Điệp; khẩu sli Nà Giàng; Hồng Trà A1, Lục Trà A2; trà giảo cổ lam; rượu ngô CP 999; dao Minh Tuấn; dầu hồi; dầu xả Java…

Các sản phẩm OCOP này đã và đang góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, ẩm thực, dịch vụ du lịch, miền đất, con người tỉnh Cao Bằng đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước; góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương, từ đó thúc đẩy du lịch và kinh tế nông nghiệp địa phương phát triển.

Trong khi đó, tại Cao Bằng, từ những đặc điểm tự nhiên, con người, phương thức canh tác nông nghiệp, thủ công nghiệp, sự đa dạng về nông sản, văn hóa, ẩm thực... là cơ hội lớn cho các tổ chức, cá nhân tại các địa phương phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông nghiệp.

Các đoàn khách đến tham quan, mua sản phẩm và trải nghiệm rèn dao tại Cửa hàng dao Minh Tuấn
Các đoàn khách đến tham quan, mua sản phẩm và trải nghiệm rèn dao tại Cửa hàng dao Minh Tuấn.

Là sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Nùng An ở Cao Bằng, từ lâu, dao Phúc Sen (Quảng Hòa) đã trở thành sản phẩm thương hiệu của người dân nơi đây. Chị Nông Thị Hồng Chiêm, hợp tác xã (HTX) Minh Tuấn (Phúc Sen) cho biết: từ khi được chứng nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh, các đoàn khách đến với cửa hàng nhiều hơn, một số đoàn lên tới 40, 50 khách.

Bên cạnh đó, HTX cũng tăng cường đưa sản phẩm giới thiệu và bày bán tại nhiều điểm du lịch của tỉnh, các hội chợ du lịch, thương mại lớn trong nước như: TP. Hạ Long (Quảng Ninh), Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Hà Nội; cung ứng ra thị trường nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Tương tự, sản phẩm đạt chuẩn 3 sao OCOP cấp tỉnh năm 2020 Hồng Trà A1 và Lục Trà A1 của Công ty TNHH Kolia Cao Bằng được đánh giá cao về chất lượng và bao bì sản phẩm. Đặc biệt, khách du lịch đến Khu du lịch sinh thái Kolia - có thể tham gia du lịch trải nghiệm đồi chè, tự tay hái chè và được hướng dẫn cách sao chè, đóng gói... như người dân bản địa.

HTX Trường Anh, xã Hưng Ðạo ứng dụng nông nghiệp thông minh vào sản xuất dâu tây - sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020
HTX Trường Anh, xã Hưng Ðạo ứng dụng nông nghiệp thông minh vào sản xuất dâu tây - sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020.

Tại thành phố Cao Bằng, vườn dâu tây của HTX Trường Anh, xã Hưng Ðạo là điểm "hút" khách, mỗi năm có hàng nghìn du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, chụp ảnh và trải nghiệm. Sản phẩm dâu tây của HTX có chứng nhận VietGAP, chứng nhận OCOP 3 sao được thị trường ưa chuộng.

Trong 6 nhóm sản phẩm OCOP (thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm - nội thất - trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng) thì nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch được xem là nhóm quan trọng, là giải pháp giúp tiêu thụ sản phẩm địa phương hiệu quả, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

Đến nay, toàn tỉnh Cao Bằng có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn, gồm: Lan's Homestay, Yến Nhi - Bản Giốc Homestay, Mế Farmstay. Đặc biệt, mô hình Lan's Homestay (Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh) đạt chuẩn OCOP 4 sao ở loại hình dịch vụ du lịch nông thôn của tỉnh Cao Bằng.

Bà Hoàng Thị Lan, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch quốc tế thác Bản Giốc (Trùng Khánh), chủ Lan’s Homestay chia sẻ, việc được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP mang lại nhiều lợi ích cho cơ sở trong việc đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm theo tiêu chí OCOP; tạo sự tin tưởng cho du khách khi sử dụng dịch vụ và các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ.

Để du khách có trải nghiệm phong phú và tiêu thụ các sản phẩm OCOP bản địa, điểm du lịch đã tích cực quảng bá, tiêu thụ các nông sản đạt OCOP của địa phương, như gạo nếp Ong, hạt dẻ…

Bên cạnh dịch vụ lưu trú, chế biến, giới thiệu các món ăn từ các sản phẩm đạt chuẩn 3 sao OCOP cấp tỉnh của địa phương như: Xôi nếp Ong, hạt dẻ Trùng Khánh cơ sở còn có nhiều dịch vụ trải nghiệm như: đốt lửa trại, đạp xe thưởng ngoạn phong cảnh, chèo thuyền trên sông Quây Sơn, trải nghiệm mặc trang phục dân tộc, gặt lúa, trồng rau, làm vườn…

Nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm KH&CN, các sản phẩm OCOP, Nông sản tỉnh Cao Bằng khai trương từ tháng 01/2022
Nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm KH&CN, các sản phẩm OCOP, Nông sản tỉnh Cao Bằng khai trương từ tháng 01/2022.

Triển khai chính sách hỗ trợ

Nhằm thúc đẩy quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP, nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh Cao Bằng được triển khai tập trung như giới thiệu trên các trang thương mại điện tử; xây dựng điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP vào các siêu thị.

Giới thiệu các tour, tuyến du lịch, các điểm tham quan, các sản phẩm gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Cùng với đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức các hoạt động văn hóa, ẩm thực, quảng bá du lịch, giới thiệu sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP tại các Hội chợ, Tuần Văn hóa - du lịch trong và ngoài tỉnh.

Trong 05 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh Cao Bằng đón 291.121 lượt khách, tăng 2,5%. Doanh thu ngành du lịch đạt 113,1 tỷ đồng, tăng 203,3% so với cùng kỳ năm 2021. Lượng khách du lịch đến Cao Bằng tăng do dịch Covid-19 được khống chế, các hoạt động du lịch mở cửa trở lại. Với lượng khách và doanh thu trên cho thấy ngành du lịch tỉnh đang được khai thác hiệu quả.

Điều này mở ra cơ hội để các địa phương, tổ chức, cá nhân thác lợi thế sẵn có, xây dựng thành công những sản phẩm OCOP trong nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, ẩm thực, đồ uống, lưu niệm… đưa những sản phẩm đặc trưng tới người dân và du khách.

Triển khai hiệu quả Chương trình OCOP gắn với dịch vụ du lịch nông thôn, thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã và đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân, các tổ chức kinh tế xã hội thấy được giá trị kinh tế, giá trị nhân văn khi tham gia Chương trình OCOP.

Các cấp chính quyền chú trọng phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể; vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách, huy động nguồn lực phù hợp để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tạo động lực phát triển phong trào OCOP ngày càng mạnh mẽ. Ưu tiên đầu tư nguồn kinh phí hỗ trợ cho phát triển các sản phẩm OCOP gắn với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.

Đưa sản phẩm OCOP tỉnh Cao Bằng đến quảng bá tại các thị trường lớn trong nước
Đưa sản phẩm OCOP tỉnh Cao Bằng đến quảng bá tại các thị trường lớn trong nước.

OCOP muốn vươn xa phải gắn kết với du lịch

Việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch được đánh giá sẽ tận dụng tối đa nguồn lực đầu tư. Sản phẩm OCOP làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút du khách, đồng thời hoạt động du lịch góp phần tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP.

Từ đó, việc quan tâm đầu tư, tạo dựng sản phẩm OCOP sẽ thuận lợi hơn, giúp nâng tầm sản phẩm, quảng bá hình ảnh du lịch tại địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững.

Xây dựng sản phẩm OCOP đã khó, việc đa dạng hóa, mở rộng thị trường càng khó hơn. Trong khi ngành du lịch tỉnh đang thiếu những sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn của từng vùng, miền để thu hút khách du lịch.

Dịch vụ du lịch thuộc Chương trình OCOP đã được một số địa phương quan tâm đưa vào khai thác. Tuy nhiên, các sản phẩm OCOP của tỉnh Cao Bằng mới phát triển ở quy mô nhỏ, số lượng hạn chế, chưa có sự kết nối giữa các tour du lịch với các vùng sản xuất các sản phẩm OCOP tập trung.

Để phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch hiệu quả, thời gian tới, ngoài công tác thông tin, tuyên truyền để các cấp, ngành, người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa thiết thực của OCOP cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp; triển khai kịp thời, có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, người dân thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư tạo dựng sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh thực hiện xây dựng các tuyến du lịch cộng đồng kết nối với các vùng sản xuất sản phẩm OCOP.

Trang Nguyễn