Từ khi được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Gạo đặc sản Séng cù Than Uyên," những năm qua huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đã có nhiều giải pháp trong việc quản lý, giữ vững và phát triển thương hiệu gạo Séng cù. Sản phẩm nức tiếng của cánh đồng lớn thứ 3 Tây Bắc - Tam Than đã khẳng định được thương hiệu, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của địa phương ngày càng phát triển và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.
Với tổng diện tích sản xuất đất nông nghiệp khoảng 2.000ha, cánh đồng Mường Than, huyện Than Uyên là vựa lúa lớn thứ 3 trên vùng đất Tây Bắc và là cánh đồng lớn nhất tỉnh Lai Châu. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất màu mỡ, nguồn nước trong lành, khí hậu ôn hòa và đã tạo ra sản phẩm gạo Séng Cù Than Uyên thơm, dẻo ngon đặc trưng.
Năm 2021, sản phẩm gạo Séng Cù đã được tỉnh Lai Châu công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao và được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Gạo đặc sản Séng Cù Than Uyên". Và với mục tiêu từ từ 4 sao lên 5 sao trong năm nay và duy trì liên kết sản xuất khép kín theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài sản phẩm gạo Séng cù, Hợp tác xã Xây dựng Thanh Xuân (huyện Than Uyên) cũng đã xây dựng thành công các sản phẩm nổng sản khác như nếp Tan Pỏm, gạo tẻ tròn, gạo lứt Séng cù đạt sản phẩm OCOP 3 sao.
Ông Lò Văn Hương, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu phát biểu với báo chí cho biết, với hướng đi như hiện nay, huyện đã bảo tồn và phát triển được giống lúa đặc sản của địa phương, thắt chặt liên kết sản xuất giữa người nông dân với hợp tác xã. Nhờ mô hình liên kết này đã thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, nâng cao năng suất cây trồng và thu nhập cho bà con ngay từ chính đồng ruộng của quê hương mình.
Để giữ vững thương hiệu gạo Séng cù Than Uyên, huyện Than Uyên tích cực đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về việc xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Séng cù. Cùng đó, khuyến cáo người sản xuất phải đảm bảo thực hiện đúng quy trình kỹ thuật canh tác, chăm sóc lúa Séng cù như: sản xuất giống, sản xuất lúa thương phẩm, bảo quản và chế biến sản phẩm gạo; thực hiện đúng quy chế quản lý thương hiệu, quy trình kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận và kiểm soát chất lượng sản phẩm; xây dựng các kênh tiêu thụ, từ đó đưa sản phẩm thực sự có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Trang Nguyễn