Nhiều tồn tại cần giải quyết
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, năm 2017, có khoảng 23.000 condotel và biệt thự nghỉ dưỡng được bán ra thị trường. Năm 2017, số lượng giao dịch thành công chiếm 65 - 70% khối lượng chào bán.
Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Từ năm 2015 đến nay, các địa phương ven biển cho phép nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng, trong đó có công trình condotel. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các dự án condotel trong thời gian qua chưa thật thuận lợi cho cả địa phương trong việc kêu gọi đầu tư, cho nhà đầu tư dự án trong việc kinh doanh và bán sản phẩm.
Nói về một số nội dung còn vướng mắc đối với mô hình condotel, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng phân tích:
Thứ nhất, việc áp dụng tính toán chỉ tiêu kiến trúc kỹ thuật công trình có căn hộ condel hiện chưa rõ ràng.
Thứ hai, chỉ tiêu dân số đối với các công trình condotel, hiện mới có chỉ tiêu dân số với khu vực nhà ở, chưa có đối với condotel nên nếu không có quy định bổ sung sẽ ảnh hưởng tới chỉ tiêu dân số địa phương.
Thứ ba, về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất thương mại dịch vụ có thời hạn là 50 năm nhưng hiện vẫn chưa có quy định cụ thể liên quan đến condotel, là đất thương mại dịch vụ hay đất ở. Các doanh nghiệp đang khuyến nghị là nên cấp theo diện đất ở lâu dài.
Thứ tư, các quy định liên quan đến kinh doanh mua bán chuyển nhượng chưa rõ ràng, với điều kiện bán sản phẩm hình thành trong tương lai, bảo lãnh cho thuê mua và đặc biệt là quy định bán căn hộ cho người nước ngoài...
Thứ năm, về quản lý condotel, loại hình BĐS này có cơ chế vận hành khác với chung cư. Nếu như chung cư có ban quản lý thì đối với condotel, chủ đầu tư có thể tự vận hành hoặc thuê đơn vị vận hành riêng.
Thứ sáu, đất đai liên quan đến condotel chưa có quy định sử dụng. Kỳ vọng, chúng ta sẽ làm sáng tỏ các vấn đề trên tại hội thảo.
Ông Vũ Văn Phấn, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS: Thị trường vài năm trở lại đây phát triển mạnh condotel. Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ KH&ĐT và Bộ VH-TT&DL trong vấn đề này. “Chúng tôi cũng tham khảo ý kiến các chuyên gia Đặng Hùng Võ, Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam… để các vướng mắc trong thị trường condotel được tháo gỡ tốt hơn. Vì trong quá trình đầu tư, kinh doanh condotel liên quan đến các bộ, ngành, chúng tôi đã và sẽ phối hợp để giải quyết các vấn đề về phát triển condotel. Chúng tôi đang trình Thủ tướng về vấn đề này”, ông Phấn nhấn mạnh.
Gỡ vướng như thế nào?
Trao đổi về vấn đề pháp lý cho Condotel, ông Vũ Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Khách sạn (Bộ VH-TT&DL): Vấn đề quan trọng nhất là cần sớm xây dựng văn bản pháp luật đầy đủ để điều chỉnh liên quan đến loại hình này.
“Bộ VH-TT&DL sẽ tham gia với 3 góc độ. Một là, chúng tôi sẽ kết hợp cùng với bộ, ngành liên quan xây dựng các văn bản pháp luật đầy đủ liên quan đến condotel. Hai là, đưa ra dự báo về xu hướng, quy mô khách trên phạm vi cả nước và các địa bàn trọng điểm để có sự phát triển hài hòa bền vững cho condotel. Ba là, đề xuất tiêu chuẩn xếp hạng condotel để đảm bảo đúng theo hệ thống lưu trú của ngành du lịch”, ông Thanh nói.
Theo ông Vũ Văn Phấn, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, giải pháp trong Luật Kinh doanh BĐS yêu cầu các địa phương khi đầu tư các loại hình BĐS, kể cả nhà đất, nhà ở, yêu cầu các thành phố, địa phương xây dựng kế hoạch phát triển.
“Khi xây dựng kế hoạch, tỉnh đã phải nghiên cứu, xác định nhu cầu. Khi chúng ta tính trên bình diện chung, thì khách du lịch đến sẽ cần nơi để lưu trú. Nếu so sánh cơ sở du lịch hiện nay với khách du lịch vào thì đang thiếu. Nhưng chúng ta phải biết khách du lịch đến từng địa phương khác nhau”, ông Phấn nêu tại hội thảo.
Theo lãnh đạo bộ Tư pháp thì hiện nay, loại hình condotel có những nơi vẫn bối rối trong việc cấp giấy chứng nhận và quyền sở hữu. Trước hết, để bảo vệ khách hàng và cũng như phát triển du lịch thành ngành mũi nhọn theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, ông Hiếu nhất trí với quan điểm nếu chờ luật lâu quá, có khi có luật rồi thì cơ hội không còn nữa nên phải có giải pháp trước mắt và lâu dài.
Về giải pháp trước mắt, BộTN&MT và Bộ Xây dựng cần sớm xây dựng khung pháp lý về các thủ tục cấp giấy chứng nhận cho condotel để nhà đầu tư yên tâm. Bình Định đã cấp giấy chứng nhận không phát sinh đơn vị ở. Hiện nay, chúng ta vừa làm vừa lo khi chưa có khung pháp lý phù hợp. Trong điều kiện bình thường không sao, nhưng khi cần thì sẽ có những thứ chưa được luật quy định và như vậy rất phức tạp.
Ông Hiếu thông tin, vừa rồi phía Bộ Tư pháp đề nghị thẩm định Luật Đất đai của Bộ TN&MT. Bộ này cũng có nói đến condotel với mục đích sử dụng là kinh doanh dịch vụ và nhiều chuyên gia nói đến đất du lịch. Như vậy, trong tương lai chúng ta sẽ có thể quy định chặt chẽ hơn
Khánh Yên