Sáng 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ hai của phiên họp thứ 33, cho ý kiến về dự án Luật Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH). 

Báo cáo tờ trình tóm tắt dự án Luật trên, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long nhận định thời gian qua, tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp, nhất là tại các thành phố lớn, các khu đô thị tập trung đông dân cư.

Nhiều loại hình cơ sở mới xuất hiện đã và đang gây ra những thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, đời sống xã hội, môi trường ổn định để phát triển kinh tế, xã hội…

Ông Long nhấn mạnh thực tế này đòi hỏi cấp thiết phải tăng cường các giải pháp, biện pháp, yêu cầu để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về PCCC hiện hành. 

Nêu ý kiến góp ý, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay, thời gian qua dù rất quan tâm nhưng tình hình cháy nổ, tai nạn xảy ra liên tục, ảnh hưởng tính mạng, tài sản của xã hội.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, chỗ nào cũng có vòi nước nhưng có cháy không dùng được. Ảnh: Phạm Thắng
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, chỗ nào cũng có vòi nước nhưng có cháy thì không dùng được. Ảnh: Phạm Thắng

Ông dẫn chứng các vụ cháy ở TP. HCM, Hà Nội... những năm qua là bài học đắt giá trong phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

"Bây giờ xã hội lo nhất về tính mạng, tài sản. Có nhiều thứ nhưng 3 vấn đề tai nạn giao thông, tai nạn lao động, cháy nổ được người dân rất quan tâm", ông Mẫn nói.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội  đặt vấn đề vừa qua sửa luật, các nghị định nhưng cháy nổ, thiệt hại tài sản, tính mạng mỗi năm vẫn xảy ra như vậy là tăng hay giảm?

Đề cập đến công tác quy hoạch PCCC, ông Trần Thanh Mẫn nêu thực trạng đường bên ngoài rộng nhưng vào hẻm thì chật, xe chữa cháy không vào được.

"Chỗ nào cũng có bể nước, vòi nước chữa cháy nhưng thực tế không sử dụng, khi có cháy thì không vận hành được. Hay thang xe chữa cháy lên được 5 - 7 tầng nhưng nhà được cấp phép xây dựng lên đến 12 - 15 tầng", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM, cần làm rõ xe chữa cháy có thể tiếp cận được công trình cao bao nhiêu mét, bao nhiêu tầng bởi địa phương cấp phép xây dựng nhà ở vượt số tầng so với chiều cao xe chữa cháy có thể tạo ra những bất cập. 

Về phòng cháy nhà ở, theo ông Trần Thanh Mẫn, vấn đề này được người dân quan tâm nhưng dự luật quy định chưa có "điểm mới, nét mới".

"Thực tế, các vụ cháy vừa qua, nhất là cháy nhà dân, chung cư mini đều rất thảm khốc, do đó cần có quy định cụ thể. Cùng với đó là các quy định về điều kiện đảm bảo PCCC cơ sở nhà ở, đặc biệt nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh", ông Trần Thanh Mẫn gợi ý.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho ý kiến tại phiên họp sáng 14/5 (Ảnh: Phạm Thắng).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho ý kiến tại phiên họp sáng 14/5. Ảnh: Phạm Thắng

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay dự luật quy định khi lập, điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị, khu dân cư, cụm công nghiệp và các khu chức năng theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Theo ông Thanh, nội dung rất cần thiết vì vừa qua các khu dân cư có vụ cháy xảy ra đường vào "bé tí", không đưa được các phương tiện chữa cháy vào nhưng khi thẩm tra luật quy hoạch chưa thấy có quy định về vấn đề này trong khi dự luật nêu các điều kiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch rõ ràng không thực hiện được. Do đó, cần thiết kế riêng quy định này, còn theo pháp luật về quy hoạch không ổn.

Thiên Trường (t/h)