Cuộc tòa đàm có sự tham gia của ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ); ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam).
Từ trái sang: Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) và ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại tọa đàm
Từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có những nỗ lực đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu - vốn được đánh giá là “rừng” thủ tục đang gây rất nhiều khó khăn cho DN.
Bộ đã ban hành Thông tư 02/2017 về công bố hợp chuẩn, hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật. Đặc biệt, Thông tư 07/2017 chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ quản lý sang cơ chế hậu kiểm, giảm 96% số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra trước thông quan. Trước đây, có 24 nhóm hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan, nhưng nay chỉ còn 2 nhóm là xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng.
Như vậy, mỗi năm sẽ có khoảng trên 30.000 lô hàng không phải kiểm tra trước khi thông quan, giúp giảm thời gian và chi phí cho DN. Tuy nhiên, để có thể thực hiện tốt được Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ còn nhiều việc phải làm và sớm có lộ trình giải quyết các tồn đọng trong thời gian tới.
Tại cuộc tòa đàm, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết: “Thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, của lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với 12 bộ, ngành để tổ chức rà soát các danh mục hàng hóa nhóm 2 để xem sản phẩm nào nên giữ lại và sản phẩm nào thì nên loại bỏ khỏi danh mục hàng hóa nhóm 2. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tham mưa cho các cấp ban hành cơ chế hậu kiểm hay tiền kiểm để áp dụng rộng rãi hiện nay của các bộ, ngành để tạo thuận lợi nhất cho DN”.
Hàng hóa nhóm 2 là các sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, danh mục này đang quá rộng, để thu hẹp diện quản lý, ông Đậu Anh Tuấn cho biết: Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và Nghị quyết 19 cũng nêu rõ một trong những nhiệm vụ trung tâm của các bộ, ngành trong thời gian tới là phải giảm hàng hóa nhóm 2 tức là chỉ tập trung vào hàng hóa có nguy cơ lớn, ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng, môi trường, sức khỏe cộng đồng chứ không kiểm tra tràn làn.
Tuy nhiên, hiện tại cũng xảy ra tình trạng việc lạm dụng kiểm tra gây ảnh hưởng rất lớn. Ví dụ, trước đây kiểm nghiệm Formaldehyt thì xác xuất tìm thấy nguy cơ có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe rất ít, tỷ suất là một phần nghìn, trong khi đó, DN, ngành hàng lại phải chi trả chi phí rất lớn, điều đó cho thấy cần phải giảm danh mục hàng hóa nhóm 2. Do vậy, trách nhiệm rà soát các nhóm mặt hàng xem loại nào cần loại trừ khỏi danh mục kiểm tra chuyên ngành thì đó là việc cần phải làm của bộ, ngành trong thời gian tới.
Ông Linh cũng cho biết thêm, toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hóa theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đã được Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát suốt thời gian qua. Như một loạt nghị định đã được rà soát và đã được trình Chính phủ ban hành, một số Nghị định hiện nay cũng sắp được ban hành. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã chủ động ban hành Thông tư 02 và Thông tư 07 và để hậu kiểm thì cũng cần một số văn bản pháp luật để hướng dẫn, phục vụ cho các cơ quan kiểm tra trong quá trình hậu kiểm.
Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tổ chức để triển khai các cơ chế hậu kiểm, một là phối hợp chung với tất cả các bộ, ngành; hai là với các nhóm sản phẩm hàng hóa thì phối hợp với các cơ quan kiểm tra trên toàn quốc đồng thời quy định về khung pháp lý, các nghị định về xử phạt trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng phục vụ cho công tác hậu kiểm cũng chính thức được Chính phủ ban hành.
Thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi là tuyên truyền, hướng dẫn cho các bộ, ngành triển khai các nghị quyết của Chính phủ, đồng thời tiếp nhận những khó khăn, vướng mắc của DN, cơ quan quản lý trong quá trình triển khai hậu kiểm để thực thi được phù hợp nhất.
Đỗ Uyên