Theo Kế hoạch khẩn cấp năng lượng đưa ra đầu tháng 10/2022, chính phủ Anh đã để ngỏ khả năng sẽ cắt điện vào mùa Đông. Theo đó, các hộ gia đình ở Anh có thể bị cắt điện luân phiên trong vòng 3 tiếng kể từ tháng 01/2023 và tổng thời gian cắt điện có thể lên đến 36 tiếng nếu xảy ra kịch bản xấu nhất là nhiệt độ đặc biệt xuống thấp và nguồn cung năng lượng sụt giảm.
Anh hiện phụ thuộc nhiều vào khí đốt nhập khẩu để sản xuất 40% sản lượng điện cũng như phải nhập một phần lượng điện tiêu thụ từ Pháp, quốc gia cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu điện. Đài BBC của Anh được cho là đã soạn sẵn các thông báo hướng dẫn xử lý trong trường hợp xảy ra cắt điện.
Tại Đức, chính phủ đã cho khởi động lại các nhà máy chạy bằng than đá để phần nào bù đắp cho việc mất đi nguồn khí đốt từ Nga vốn chiếm 55% lượng tiêu thụ tại Đức. Tiếp sau các biện pháp tiết kiệm truyền thống như giảm bớt nhiệt độ sưởi hay dừng cung cấp nước nóng rửa tay trong các toà nhà công cộng, nhà chức trách Đức hiện đang đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường các lớp đào tạo cấp tốc và miễn phí để ứng phó với khả năng cắt điện luân phiên khi thời tiết ngày càng lạnh hơn.
Vốn là quốc gia ít phụ thuộc vào năng lượng của Nga, Tây Ban Nha cũng đưa ra Chương trình an ninh năng lượng bao gồm 72 biện pháp tiết kiệm nhằm cắt giảm từ 7 - 15% lượng khí đốt tiêu thụ hiện nay vào tháng 03/2023.
Sau khi áp dụng quy định yêu cầu các cửa hàng, quán bar, văn phòng giới hạn nhiệt độ ở 19 độ C, chính quyền Tây Ban Nha đang xem xét khả năng cấm việc chiếu sáng các tủ kính và toà nhà công cộng trong đêm trong những ngày tới, đồng thời cho phép người dân có thể sử dụng các phương tiện giao thông công cộng và một số tuyến đường sắt miễn phí.
Tại Italy, chính phủ nước này dự kiến áp dụng biện pháp “giới nghiêm năng lượng” nếu thời tiết trở nên quá lạnh. Theo đó, các cửa hàng, trung tâm thương mại, doanh nghiệp và ngay cả một số cơ quan Nhà nước sẽ phải đóng cửa sớm hơn thường lệ. Người dân Italy được khuyến khích để nhiệt độ sưởi thấp hơn 2 độ so với thông thường, giảm thời gian sử dụng và nhiệt độ nước nóng, ngắt các kết nối điện không sử dụng, thay thế các máy gia dụng cũ tiêu tốn nhiều điện năng…
Trong khi đó tại Pháp, thông báo về khả năng cắt điện luân phiên kể từ tháng 01/2023 của Cơ quan Mạng lưới truyền tải điện Pháp đã trở thành chủ đề nóng trên các phương tiện truyền thông của Pháp trong những ngày qua.
Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Pháp ông Emmanuel Macron đã phải lên tiếng trấn an và kêu gọi người dân nỗ lực giảm 10% lượng điện tiêu thụ hiện nay để tránh các kịch bản xấu nhất.
“Vai trò của chính phủ, các Bộ trưởng, những công ty điện là làm tốt công việc của mình để cung cấp năng lượng. Tiếp đến là mỗi người dân cần nâng cao trách nhiệm để hướng tới mục tiêu tiết kiệm. Chúng ta không nên bắt đầu bằng việc khiến người dân lo lắng với những kịch bản phi lý”.
Theo VOV.vn