Theo đó, xăng dầu các loại giảm 5% về lượng và giảm 38,7% về trị giá; ô tô nguyên chiếc các loại giảm gần ½ cả về lượng và trị giá; linh kiện phụ tùng ô tô giảm 17,3% về trị giá; sắt thép các loại giảm 6,2% về lượng và giảm 16,6% về trị giá; rau quả giảm 40,5% về trị giá; nguyên phụ liệu ngành dệt may da giày giảm 15,9% về trị giá; máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng giảm 4,5% về trị giá…
Cơ cấu thị phần từ 3 thị trường lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước 6 tháng đầu năm 2020 (Ảnh: Báo Hải quan)
Nửa đầu năm 2020, Tổng cục Hải quan ghi nhận có 3 nhóm hàng nhập khẩu đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên. Số lượng này tương đương cùng kỳ 2019, tuy nhiên trị giá của 2/3 nhóm hàng bị sụt giảm so với 1 năm trước.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện vẫn là nhóm hàng dẫn đầu với kim ngạch đạt 27,16 tỷ USD, tăng 13,8% (tương ứng tăng 3,3 tỷ USD) so với 6 tháng đầu năm 2019.
Hàn Quốc tiếp tục là đối tác lớn nhất cung cấp nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với trị giá nhập khẩu đạt 7,88 tỷ USD, nhưng giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp theo là các thị trường: Trung Quốc với 6,65 tỷ USD, tăng 14,2%; thị trường Đài Loan đạt với 3,19 tỷ USD, tăng mạnh 31,7% và vượt Mỹ (với 2,28 tỷ USD, tăng 3,6%) để trở thành thị trường đứng thứ 3 cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đứng thứ hai với trị giá đạt 16,82 tỷ USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khối các doanh nghiệp FDI nhập khẩu 8,53 tỷ USD, giảm 9,3% và khối các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 8,29 tỷ USD, tăng nhẹ 1,1%.
Nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may, da giày (bông các loại; vải các loại; xơ sợi dệt các loại và nguyên phụ liệu dệt may da giày) với tổng trị giá 10,26 tỷ USD, giảm mạnh 15,9% (tương ứng giảm 1,94 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Bảo Lâm