Nguyên nhân khiến chỉ số giá tháng này tăng so với tháng trước là do ảnh hưởng của nhóm giáo dục.

Cụ thể, nhóm giáo dục tăng 11,78% do tháng 9 khai giảng năm học mới, sức mua các mặt hàng đồng phục, sách giáo khoa, đồ dùng học tập tăng khoảng 3-5% so với năm trước khiến giá một số mặt hàng phục vụ nhu cầu học tập như vở viết, bút và một số mặt hàng khác tăng nhẹ. Thêm vào đó, giá học phí các trường trung học cơ sở, phổ thông trung học và một số trường đại học, cao đẳng trong hệ thống công lập cũng tăng.

Chỉ số tiêu dùng tại địa bàn Hà Nội tăng mạnh trong tháng 9 - Hình 1

Mực tiêu thụ đồ dùng học tập, sách vở đẩy CPI tháng 9 của Hà Nội tăng mạnh (Ảnh minh họa)

Ngoài ra một số mặt hàng trong nhóm như phụ tùng ôtô, xe máy, sửa chữa bảo dưỡng xe... cũng tăng nhẹ khiến cho nhóm giao thông tăng 0,58% so với tháng trước; một số vật liệu xây dựng như gạch, sơn... tăng nhẹ, giá gas được điều chỉnh tăng 10.000 đồng/bình 12kg từ 1/9 khiến cho nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng (tăng 0,31% so tháng trước).

Bình quân 9 tháng, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,99% so cùng kỳ, trong đó 10 nhóm hàng tăng, 1 nhóm hàng giảm (nhóm hàng bưu chính viễn thông giảm 1,38%). Chỉ số giá vàng tăng 4,3% so cùng kỳ, chỉ số USD tăng 0,79%.

Về thương mại dịch vụ, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 9 ước đạt 216.215 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và 8,3% so cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 đạt 44.390 tỷ đồng, tăng 2,1% so tháng trước và 8,1% so cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 367.839 tỷ đồng, tăng 8,9% so cùng kỳ…

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9 đạt 2.460 triệu USD, giảm 2% so tháng trước và tăng 9,1% so cùng kỳ.

Hiện tại, Hà Nội đang tiếp tục thực hiện các giải pháp mạnh để cải cách hành chính, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn.

Hằng Vương