Chi thường xuyên vẫn vô cùng lãng phí - Hình 1

Đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang). (Ảnh: TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, ngày 29/10/2018, Quốc hội tiến hành thảo luận về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017.

Đề cập tới vấn đề thu ngân sách, đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, theo đánh giá là vượt dự toán nhưng nhìn sâu hơn thì thấy số thu của 3 khu vực DNNN, doanh nghiệp FDI và khu vực ngoài quốc doanh đều không đạt dự toán. Phần vượt thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất và dầu thô. 

Cần làm rõ, không đạt dự toán là do thu chưa tốt hay dự toán quá cao, không khả thi. Trong bối cảnh nước ra đang hội nhập sâu với thế giới, việc thực thi các hiệp định thương mại dẫn đến cắt giảm thuế quan ngày càng tác động mạnh mẽ tới thu ngân sách, yêu cầu phải tính toán, dự báo sao cho sát để đảm bảo cân đối thu, chi là yếu tố đảm bảo ổn định vĩ mô.

Số nợ thuế tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu, các hiện tượng trốn thuế như thất thu chuyển giá vẫn xảy ra khá nhiều. Kế hoạch năm 2019 tăng thu 3,9% so với năm 2018, thấp hơn so với tốc độ tăng thu các năm trước. Và cũng theo dự kiến, năm 2019 huy động từ thuế, phí vào ngân sách chỉ đạt 20% GDP và đây là năm thứ 4 liên tiếp không đạt mục tiêu kế hoạch tài chính trong hạn huy động 21%.

“Câu hỏi lại tiếp tục đặt ra là, có bất cập trong chính sách thu hay sự thiếu nỗ lực trong hành thu?. Vấn đề giảm thu ngân sách khi dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động cũng cần giải thích rõ ràng để cử tri và nhân dân hiểu”, đại biểu Lịch nêu quan điểm.

Về chi ngân sách, các báo cáo trình Quốc hội đã phản ánh, trong điều kiện ngân sách quốc gia chưa phải dư giả, phần chi cho đầu tư phát triển vẫn chủ yếu từ nguồn đi vay. Tuy nhiên, đại biểu Lịch thẳng thắn chỉ ra rằng, tình trạng lãng phí vẫn xảy ra ở nhiều lĩnh vực. Nổi cộm là trong đầu tư xây dựng cơ bản, ngoài những thất thoát, lãng phí do không quản lý được chất lượng, hiệu quả dự án, tình trạng đội vốn đầu tư, chậm tiến độ... thì việc chuyển nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản là rất lớn. Nhiều dự án vốn vay chậm giải ngân, phần lớn do yếu tố chủ quan.

Trong chi thường xuyên vẫn còn nhiều những khoản chi mua sắm thiết bị đắt tiền quá mức mà không sử dụng hết công năng, chi hội nghị, lễ hội, khánh tiết, ngày kỷ niệm còn dềnh dàng và tổ chức hoành tráng gây tốn kém. Bên cạnh đó, có khoản chi không sử dụng hết, phải hủy bỏ dự toán khá lớn, tới 9.017 tỷ đồng năm 2017 gây lãng phí nguồn lực trong khi còn nhiều chính sách khác chưa có vốn. 

Thực tiễn cho thấy, việc huy động các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách vào phối hợp cho đầu tư phát triển là hoàn toàn khả thi và có hiệu quả xã hội to lớn. Vấn đề là chính sách đặt ra phải chặt chẽ để không bị lợi dụng và phải ổn định để nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn.

“Vừa qua, Bộ Tài chính yêu cầu dừng thanh toán các dự án BT để chờ hướng dẫn mới chặt chẽ hơn là một yêu cầu cần thiết nhưng có lẽ cũng cần phải khẩn trương ban hành chính sách mới thay thế vì hiện nay, các dự án này ở địa phương đang bị đình trệ, gây thiệt hại nhiều cho nhà đầu tư”, đại biểu Lịch nhấn mạnh.

T.Nguyên