Theo ghi nhận, tại Trạm Y tế phường Hiệp Bình Chánh (thành phố Thủ Đức, TP.HCM) có 37 trẻ đến tiêm vaccine sởi (4 trẻ tiêm mũi 1, 33 trẻ tiêm mũi 2) vào sáng 1/9. Theo bác sĩ Nguyễn Gia Phương - Trưởng Trạm Y tế phường, tại phường có khoảng 7.000 trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong đó, trẻ tiêm vaccine sởi mũi 1 đạt tỷ lệ 96%, trẻ tiêm mũi 2 đạt tỷ lệ 92%. Qua thống kê, có 700 trẻ từ 1 - 5 tuổi đang sinh sống trên địa bàn phường chưa được tiêm mũi 2.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Gia Phương thì, có một số phụ huynh "an-ti vaccine", phải vận động rất nhiều. “Nhiều phụ huynh cho biết lý do không cho con tiêm mũi 1 là phụ huynh ở TP.HCM nhưng con lại gửi về quê rồi quên nhắc cho con tiêm ngừa. Một số vùng xa xôi thì mức độ quan tâm về tiêm chủng cũng ít hơn, phụ huynh trên này cũng quên luôn. Sau khi chuyển qua nhiều địa điểm, khi về đây trạm phát hiện thiếu mũi sởi. Đặc biệt có nhiều sổ tiêm chủng trắng trơn. Trong số này có một số phụ huynh không đồng ý tiêm vaccine”, theo bác sĩ Phương.
Còn tại phường Hiệp Bình Phước, trong ngày thứ 2 tiêm chiến dịch, trạm y tế phường tiêm cho 20 bé. Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Loan – Trưởng trạm cho biết, trẻ đến tiêm chủ yếu trong độ tuổi 12-17 tháng. Trạm sẵn sàng chờ các phụ huynh đưa con đến tiêm để phòng bệnh.
Trong ngày đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm chủng, toàn TP Thủ Đức đã tiêm được 663/904 trẻ, đạt 73% số trẻ dự kiến tiêm trong ngày. Chiến dịch sẽ tiếp tục thực hiện vào buổi sáng tại các trạm y tế phường (riêng phường Long Bình tổ chức tiêm tại UBND phường).
Bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi trong dịp lễ này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sắp xếp công việc, đưa con đi tiêm ngừa nhằm phòng chống dịch bệnh cho trẻ. Đặc biệt, việc tiêm chủng sẽ bảo vệ cả những trẻ chưa đến độ tuổi được tiêm vaccine sởi hoặc có bệnh nặng không thể tiêm.
Bà Nga lưu ý, đối với những em bé chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc là những người không thể chỉ định tiêm do bệnh lý thì những người xung quanh cần phải tiêm chủng để bảo vệ những người này. “Chúng ta cần thực hiện các biện pháp dự phòng như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, những người có triệu chứng sốt hoặc phát ban thì hạn chế tiếp xúc với những người chưa được tiêm hoặc không được tiêm”, bà Lê Hồng Nga khuyến cáo.
Trong những ngày lễ này, nhiều địa phương tiếp tục các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân cho trẻ đi tiêm ngừa sởi bằng cách phát loa trên ô tô đi vòng quanh các tuyến đường lớn hoặc xe máy ở các con hẻm, khu trọ. Xe loa nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của việc tiêm phòng để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan; về các biện pháp cụ thể mà người dân có thể thực hiện để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi bệnh sởi…
Được biết, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng triển khai tiêm vaccine sởi cho trẻ đang điều trị tại đây.
PV(t/h)