Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ: Sáng ngời bản lĩnh - trí tuệ Việt Nam - Hình 1

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - sáng ngời bản lĩnh - trí tuệ Việt Nam

“Một cái mốc chói lọi”!

Theo đánh giá của hai nhà sử học Pháp là G. Bu-đa-ren và F.Ca-vi-ô-li thì: “Điện Biên Phủ là một trong những trận giao chiến đã làm thay đổi số phận thế giới”.

Gi-uyn-roa trong cuốn “Trận Điện Biên Phủ” còn khẳng định: “Trên toàn thế giới, trận Oa-téc-lô cũng ít có tiếng vang. Điện Biên Phủ thất thủ gây ra một sự kinh hoàng ghê gớm. Đó là một trong những thất bại lớn của phương Tây, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa và sự cáo chung của nền cộng hòa”…

Chủ tịch Hồ Chí Minh – kiến trúc sư hàng đầu trong việc tổ chức nhân dân ta làm nên sự kiện này đã đánh giá: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”.

Rõ ràng, tầm vóc, ý nghĩa và sự ảnh hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ đã vượt qua giá trị một cuộc giao chiến quân sự thuần túy và khuôn khổ của một quốc gia mà đã mở ra một chương mới, có ý nghĩa toàn cầu về giải phóng dân tộc, xóa sạch chủ nghĩa thực dân.

Chỉ một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, với tư cách đại diện của dân tộc chiến thắng, Đoàn đại biểu của nước ta đã tới Hội nghị Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ) về  Đông Dương để nêu ra giải pháp chính trị cho mỗi nước Đông Dương.

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ chính thức được ký kết, xác nhận sự tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia. Hệ thống các nước thuộc địa của Pháp sau đó đã ngày càng bị thu hẹp. Tới năm 1967, Pháp đã phải trao trả quyền độc lập cho tất cả các nước thuộc địa.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử. Nhưng cho đến tận hôm nay, người ta vẫn tiếp tục tìm cách lý giải về một sự kiện chưa từng có: Điều gì đã làm cho một dân tộc thuộc địa, nghèo nàn, lạc hậu như Việt Nam lại có thể đánh thắng một thế lực thực dân hàng đầu như Pháp mà đội quân viễn chinh của họ đã từng có mặt tại nhiều thuộc địa ở châu Phi, châu Á?

Kiên cường và sáng tạo…

Đã có nhiều cách lý giải xung quanh chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Trong đó, có không ít ý kiến nhìn nhận vấn đề bằng cách dựa vào những luận cứ của các học thuyết quân sự, soi xét cách đánh hay về trang bị, vũ khí…, nhưng lại coi nhẹ yếu tố con người, quyết định hàng đầu tới thành - bại của mọi cuộc chiến tranh.

Tinh thần và trí tuệ Việt Nam có khởi nguồn từ lòng yêu nước đã tích tụ, hun đúc qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều đó đã được thắp sáng lên bởi khát vọng hòa bình, độc lập, tự do - là động lực quan trọng cho hành động của mọi người Việt Nam yêu nước.

Với Điện Biên Phủ, chính việc tập hợp, động viên cả dân tộc cùng xung trận, trên cơ sở phát huy cao độ tinh thần và trí tuệ con người Việt Nam, cả trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, trên chiến trường và ở mọi lĩnh vực khác trong cả nước, tạo ra nguồn sức mạnh to lớn mà không gì có thể ngăn cản nổi - đã làm nên chiến thắng.

Bên cạnh đó, việc đặt lên hàng đầu yếu tố tinh thần, trí tuệ đã phát huy cao sự tích cực, sáng tạo của quân và dân ta để giải quyết kịp thời, có hiệu quả mọi vấn đề mà chiến trường đòi hỏi, tạo ra sự thay đổi, xoay chuyển trong tương quan thế và lực giữa ta và địch, phát huy cao nhất những lợi thế của ta để khắc chế ưu thế sức mạnh của địch, tạo ra sự bất ngờ, bị động, đưa địch ngày càng sa vào tình trạng tuyệt vọng.

Bằng ý chí quật khởi và trí tuệ sáng tạo, quân và dân ta đã tìm ra trăm phương ngàn cách để tháo gỡ khó khăn, làm được những điều tưởng chừng không thể làm được.

Việc dịch chuyển, cơ động hàng trăm khẩu pháo hạng nặng hay vận chuyển hàng vạn tấn lương thực, đạn dược… phục vụ chiến đấu, trong điều kiện địa hình rừng núi hiểm trở, dựa vào sức người là chính, lại thường xuyên bị máy bay, hỏa lực của địch bắn phá là một sự thể hiện những điều trên. Cũng từ đó, đã nảy sinh ra các chủ trương, cách đánh phù hợp, thiết thực quyết định tới thắng lợi của chiến dịch.

Đó là việc chuyển đổi cách đánh từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” theo kiểu “dài ngày, bóc vỏ”, cùng các hình thức vây lấn, chia cắt địch; khống chế con đường tiếp viện duy nhất bằng hàng không của địch.

Cũng từ ý chí kiên cường và cách đánh sáng tạo, phù hợp với thực tế, tình thế chiến trường đã từng ngày nghiêng về sự có lợi cho ta. Hầu như những lợi thế về máy bay, xe tăng, sự tinh nhuệ về lực lượng, tối tân về vũ khí của địch không thể hiện được trên thực tế. Thay vào đó là tình trạng suy sụp tinh thần trong hàng ngũ địch ngày càng trầm trọng.

Quá bất ngờ về sự xuất hiện của lực lượng pháo binh Việt Nam, chỉ 2 ngày sau khi mở đầu chiến dịch, Đại tá Pi-rốt, chỉ huy pháo binh Pháp trên chiến trường đã phải tìm đến cái chết bằng tự sát. Cũng sau đó chưa đầy 1 tuần (20/3/1954), Tướng Paul Ely, Tham mưu trưởng đã phải vội vã tới Oa-sinh-tơn cầu cứu sự viện trợ, tiếp sức của Mỹ cho Điện Biên Phủ…

Song, những mưu toan đó của đối phương đã không thể thực hiện trước sự toàn thắng của quân và dân Việt Nam trên chiến trường vào ngày 7/5/1954. 

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ: Sáng ngời bản lĩnh - trí tuệ Việt Nam - Hình 2

Lịch sử đã tạo ra những điểm hẹn đáng ghi nhớ ghi đậm dấu ấn tinh thần và trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 18 năm sau, vào những ngày cuối tháng 12/1972, một chiến thắng lẫy lừng khác mang tên “Điện Biên Phủ trên không” đã diễn ra trên bầu trời Thủ đô Hà Nội.

Tiếp nối truyền thống lịch sử đó còn là chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc vào 30/4/1975 - mở ra một trang lịch sử hào hùng mới của đất nước: Hòa bình, độc lập, thống nhất; đồng thời tạo ra những tiền đề quan trọng cho việc xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Xuân Phong – Bảy Thường