Cụ thể, về huy động vốn vay trong nước 10 tháng năm 2022, tổng khối lượng trái phiếu chính phủ phát hành là 139.432 tỷ đồng (trong đó khối lượng phát hành cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là 106.444 tỷ đồng), tương đương 34,9% kế hoạch năm Bộ Tài chính giao (400.000 tỷ đồng). Toàn bộ trái phiếu chính phủ được phát hành theo phương thức đấu thầu và có kỳ hạn từ 10 năm trở lên.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang tích cực đàm phán với các tổ chức tài chính quốc tế, như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc... để từ nay đến cuối năm có thể ký kết các khoản vay ưu đãi với điều kiện vay thuận lợi, kỳ hạn dài, lãi suất thấp. 

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Ảnh internet
Chính phủ trả nợ vay trong nước và vay nước ngoài đạt 71,8% kế hoạch. Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Ảnh internet.

Về ký kết và huy động vốn vay nước ngoài của Chính phủ, trong tháng 10/2022, Chính phủ không thực hiện ký kết hiệp định vay. Lũy kế 10 tháng của năm 2022, Chính phủ ký kết được 02 hiệp định vay nước ngoài, với tổng trị giá 184,6 triệu USD.

Trong đó, trả nợ trong nước 184.026 tỷ đồng; trả nợ nước ngoài 57.014 tỷ đồng; trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 220.182 tỷ đồng; trả nợ cho vay lại khoảng 20.858 tỷ đồng. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước 10 tháng của năm 2022 khoảng 15%.
 

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, cho đến nay, việc trả nợ của Chính phủ tiếp tục được thực hiện đầy đủ theo cam kết, trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc trả nợ của ngân sách Trung ương đảm bảo trong dự toán được Quốc hội phê duyệt; thực hiện thanh toán trả nợ đầy đủ, đúng hạn, đảm bảo nghĩa vụ đã cam kết với các chủ nợ.

Theo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính thì, tính từ đầu năm đến ngày 26/10, số tiền rút vốn vay nước ngoài của Chính phủ khoảng 906,1 triệu USD (tương đương khoảng 20.902 tỷ đồng). Trong đó, cấp phát khoảng 571,3 triệu USD (13.178 tỷ đồng), cho vay lại khoảng 334,8 triệu USD (7.724 tỷ đồng).

Số rút vốn vay nước ngoài 10 tháng năm 2022 thấp hơn cùng kỳ năm 2021 là 196 triệu USD, tương đương 4.556 tỷ đồng.

“Các khoản vay mới đều phải được xem xét kỹ lưỡng về hiệu quả kinh tế, phương án tài chính, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ công, phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn theo các nghị quyết của Quốc hội. Do đó, các hiệp định, thỏa thuận vay được đàm phán, ký kết năm 2022 và các năm tiếp theo dự báo sẽ thu hẹp hơn so với giai đoạn Việt Nam được tiếp cận nguồn vốn ODA, nhằm giảm thiểu rủi ro tỷ giá, lãi suất và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia”, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết.

Bộ Tài chính ưu tiên phát hành trái phiếu chính phủ trong nước bằng nội tệ, kỳ hạn phát hành bình quân có thể dưới 9 năm, trong 02 năm 2022 và 2023; trường hợp cần thiết báo cáo cấp có thẩm quyền phát hành bằng ngoại tệ; vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo hình thức hỗ trợ cân đối ngân sách; trong trường hợp cần thiết, vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác hoặc phát hành trái phiếu chính phủ trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để thực hiện chương trình...

Vân Quỳnh (t/h)