Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) chia sẻ, năm 2023 là năm khó khăn nhất của các doanh nghiệp nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc kinh doanh tại Việt Nam nói riêng. Nhưng Chính phủ Việt Nam đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp cũng như hỗ trợ các hoạt động đầu tư nước ngoài.

Ảnh internet.
Chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả là “cú hích” hỗ trợ nền kinh tế. Ảnh internet.

Trong đó, các chính sách tài khóa được các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đánh giá cao, bởi đã giúp hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững và nâng cao khả năng phục hồi. Đặc biệt, các chính sách về giảm thuế, phí, giảm tiền thuê đất… còn góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thêm hấp dẫn và yên tâm trong các hoạt động đầu tư nước ngoài.

“Trong thời gian tới, chính sách tài khóa cần tiếp tục phát huy vai trò và thế mạnh trong hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, để chính sách hiệu quả và thực chất thì cơ quan quản lý cần tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp để lắng nghe, thấu hiểu nhu cầu và yêu cầu của doanh nghiệp. Việc ban hành chính sách tài khóa cần có sự hợp tác song phương, nên cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam luôn sẵn sàng đóng góp ý kiến, xây dựng chính sách để góp phần tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế Việt Nam nói chung”, ông Hong Sun bày tỏ.

Theo PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính thì, trong 02 năm chịu nhiều tác động từ đại dịch Covid-19 và những biến động kinh tế thế giới, chính sách tài khóa tại Việt Nam được thực hiện thận trọng, các gói hỗ trợ về giảm thuế, nhất là giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng, dầu đã có tác dụng.

“Chính sách tài khóa cũng có nhiều điểm tích cực như góp phần đưa nợ công còn dưới ngưỡng 60% GDP, lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm và kỳ hạn vay dài hơn, cân đối ngân sách Nhà nước vẫn được đảm bảo dù kinh tế không thuận lợi”, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường đánh giá.

Chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả là “cú hích” hỗ trợ nền kinh tế. Ảnh internet.
Chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả là “cú hích” hỗ trợ nền kinh tế. Ảnh internet.

Tuy nhiên, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường cũng lưu ý, trong giai đoạn 2023-2025, chính sách tài khóa còn gặp một số vấn đề, trong đó là rủi ro của kinh tế đến tăng trưởng và thu ngân sách Nhà nước (NSNN), hiệu quả thực thi chính sách tài khóa chưa cao, nhất là với chi đầu tư… Vì thế, để ổn định tài chính vĩ mô thì cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, kích cầu tiêu dùng và xem xét tiếp tục giảm một số loại thuế, phí…

“Chính sách tài khóa phải kết hợp với chính sách tiền tệ trong điều tiết cung tiền như kế hoạch vay nợ công, giải ngân và quan tâm đến thanh khoản thị trường. Đồng thời, phải chủ động trong thông tin và định hướng chính sách, cải thiện minh bạch và trách nhiệm giải trình với chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Mặt khác, cần triển khai các giải pháp để tăng cung như hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu, hoàn thiện thể chế…”, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường khuyến nghị.

Vấn đề khó khăn đặt ra cho năm 2024 là phải sử dụng chính sách tài khóa hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Vì vậy, mức độ nới lỏng cần được tính toán, cân nhắc thận trọng để đạt được đa mục tiêu nói trên, trong đó mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn được coi là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: “Mục tiêu lớn của ngành Tài chính là xây dựng và tổ chức điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm. Bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội. Trong đó, đặc biệt chú trọng nguồn lực thực hiện nhanh các công trình đầu tư hạ tầng quan trọng, kết nối vùng và liên vùng; chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội gắn với đẩy mạnh sắp xếp và tinh gọn bộ máy”.

Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Tài chính năm 2024 là dự toán thu NSNN là 1,7 triệu tỷ đồng; dự toán chi NSNN là 2,1 triệu tỷ đồng; bội chi NSNN là 399,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,6% GDP.

PV (t/h)