UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ký Văn bản chấp thuận số 5191/UBND-GT1 chấp thuận cho phép thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ Dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo phương thức PPP, hợp đồng BOT. Theo đó, thời gian thực hiện thu phí bắt đầu từ 0 giờ ngày 5.10. Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có 4 trạm thu phí với 2 trạm đầu - cuối tuyến và 2 trạm tại các nút giao Đầm Hà, Hải Hà với tổng số 28 cửa, 100% các cửa đều được trang bị thu phí hệ thống tự động không dừng.

Cao tốc Vân đồn- Móng Cái. Ảnh minh họa, nguồn internet
Cao tốc Vân đồn- Móng Cái. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Công tác chuẩn bị thu phí tự động cho tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái cũng đã hoàn tất. Chủ đầu tư lựa chọn hai nhà cung cấp dịch vụ là nhà mạng VNPT và Viettel để đảm bảo hạ tầng mạng luôn ổn định, thông suốt; bố trí các điểm đăng ký, dán thẻ ETC cho các chủ phương tiện có nhu cầu, đồng thời thiết lập hệ thống nhân sự chuyên nghiệp túc trực 24/24 để xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình vận hành dự án.
Cụ thể, mức phí cao tốc là từ 132.000 đồng/lượt đến 512.000 đồng/lượt, chia thành 5 mức theo từng nhóm phương tiện áp dụng cho 63,26km đầu tư theo hình thức BOT. Đối với dự án thành phần từ Vân Đồn- Tiên Yên gồm 16km theo ngân sách nhà nước sẽ không thu phí.

Mức phí dịch vụ sử dụng đường bộ được áp dụng thu phí tại dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái cho các nhóm xe như sau: xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng giá vé là 132.000 đồng/ lượt; xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn có mức giá là 189.000 đồng/ lượt; xe từ 31 chỗ ngồi trở lên xe tải có tải trọng từ 4 đến 10 tấn là 227.00 đồng/ lượt; xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20fit là 379.000 đồng/ lượt; xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 fit là 512.000 đồng/ lượt.

Hiện trung bình có trên 5.000 lượt phương tiện qua lại mỗi ngày trên cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Ảnh minh họa, nguồn internet
Hiện trung bình có trên 5.000 lượt phương tiện qua lại mỗi ngày trên cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Mức phí dịch vụ trên đã bao gồm 10% thuế giá trị gia tăng, mức phí dịch vụ sử dụng đường bộ trên áp dụng cho 03 năm đầu đưa vào kinh doanh khai thác, riêng mức phí dịch vụ trong năm 2022 sẽ điều chỉnh áp dụng thuế giá trị gia tăng 8% theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được đầu tư theo hình thức BOT có chiều dài 63,26km, rộng 25,25m, 4 làn xe, vận tốc tối đa 120km/h, tổng vốn đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển hạ tầng Vân Đồn làm nhà đầu tư được đưa vào khai thác từ ngày 1.9.2022. Hiện trung bình có trên 5.000 lượt phương tiện qua lại mỗi ngày.

Cao tốc là đoạn tuyến cuối cùng của chuỗi cao tốc dọc tỉnh dài 176km, kết nối đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể với cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, tạo thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam (gần 600km), góp phần giảm cự ly và rút ngắn thời gian đi lại giữa các địa phương. Từ Hà Nội đến Móng Cái từ gần 400km, thời gian đi lại mất 7h đồng hồ trước đây, thì nay quãng đường chỉ còn 276km đường cao tốc, với 3h di chuyển. Đây cũng là tuyến cao tốc duy nhất ở Việt Nam kết nối 3 sân bay (Nội Bài - Cát Bi - Vân Đồn), 3 khu kinh tế, 3 cửa khẩu quốc tế. Mặt khác, kết nối các quốc gia ASEAN và các địa phương trong cả nước với Trung Quốc thông qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái; tạo động lực phát triển cho các tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm Bắc bộ để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của cả nước.

Lê Pháp (t/h)