THCL Mặc dù, lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực, song thực trạng hàng giả, hàng lậu vẫn luôn là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng xấu đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên nhân vì đâu?

Chống hàng giả, hàng lậu: Những tồn tại cần sớm khắc phục - Hình 1

Khó từ cơ chế…

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.

Về nguyên nhân chủ quan, do điều kiện địa hình tuyến biên giới đất liền rất dài với nhiều đường mòn, lối mở qua biên giới hoặc tiếp giáp nhau qua dòng sông, cánh đồng là điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng lậu vào nội địa.

Vì lợi nhuận cao, các đối tượng buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng hoạt động ngày càng tinh vi, cử người canh gác, theo dõi các lực lượng chức năng và sẵn sàng chống đối các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, thu giữ hàng hóa.

Điều đáng nói, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam tuy đa dạng, phong phú nhưng nhiều chủng loại, giá cả hàng hóa chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Trong khi hàng hóa nước ngoài với mẫu mã đẹp, giá rẻ tạo cơ hội cho việc tiêu thụ hàng lậu, hàng giả tồn tại.

Về nguyên nhân chủ quan, những vướng mắc về cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật cũng là một khó khăn không nhỏ cho việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng.

Ví dụ, chi phí theo dõi, kiểm tra, bắt giữ, tiêu hủy hàng hóa rất tốn kém nhưng kinh phí được cấp còn khó khăn, hạn chế; trang thiết bị và điều kiện làm việc còn thiếu, lạc hậu, chưa được trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ. Đối với mặt hàng thuốc lá nhập lậu, theo Luật Thương mại và các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn luật này quy định: “Thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu thuộc Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh”. nhưng theo quy định tại Luật Đầu tư (có hiệu lực từ ngày 01/7/2015) thì: “Sản phẩm thuốc lá thuộc ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện”.

Quy định không thống nhất giữa các luật dẫn đến khó khăn trong công tác chống buôn lậu thuốc lá, cũng như việc xử lý hình sự các vụ việc buôn lậu thuốc lá... Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định về giao quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm thi hành quyết định xử phạt như tạm giữ tang vật phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính cho cấp phó nên khi đội trưởng đội QLTT bị ốm, đi công tác… thì công tác kiểm tra, xử lý vi phạm không thực hiện được.

… đến lực lượng thực thi

Việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ389/QG tại các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của chính quyền địa phương, các cấp, các ngành có lúc, có nơi chưa nghiêm túc, còn bao che, bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ: “Lực lượng QLTT phải tổ chức quản lý, kiểm tra số lượng lớn DN, hộ kinh doanh; đồng thời phải tham gia nhiều nhiệm vụ khác do chính quyền địa phương giao như phòng chống dịch bệnh, các đoàn kiểm tra liên ngành… Trong khi đó, nguồn lực về cơ sở vật chất, con người còn hạn chế là khó khăn đối với công tác kiểm tra, kiểm soát. Chi cục QLTT tỉnh Lai Châu có 45 biên chế, Vĩnh Phúc có 37 biên chế, Hưng Yên 56 biên chế, Sóc Trăng có 36 biên chế… nên nhiều đội QLTT quản lý địa bàn 1 tới 2 huyện, nhưng chỉ có 3 - 4 người”.

Công tác quản lý địa bàn, dự báo tình hình có lúc, có nơi còn thiếu chủ động, nhạy bén, công tác dự báo chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa xử lý kịp thời một số vấn đề nổi cộm như vi phạm về an toàn thực phẩm... Năng lực và trình độ chuyên môn của công chức QLTT ở một số đơn vị chưa đồng đều, không ít công chức chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu.

Chưa kể, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác trao đổi cung cấp thông tin chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ, chưa có sự phối hợp tổng thể để triệt phá các đối tượng đầu nậu, các điểm tập kết, thu gom.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tuy đã được quan tâm, nhưng chưa tạo được sự chuyển biến về nhận thức, vẫn còn tình trạng tiếp tay cho việc vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả….

Hà Thu