Hiện nay, những thủ đoạn gian lận thuế và hành vi chiếm đoạt tiền thuế làm thất thu NSNN vẫn không ngừng gia tăng. Nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn rõ hơn vấn đề này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Ánh, Vụ trưởng Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế).
Ông Nguyễn Hữu Ánh, Vụ trưởng Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế).
Xin ông cho biết, những thủ đoạn gian lận thuế, cũng như hành vi chiếm đoạt tiền thuế hiện nay là gì?
Lợi dụng sự thông thoáng về thủ tục thành lập DN, thủ tục tự in hóa đơn, cơ chế xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới đất liền, chính sách thanh toán biên mậu…, một số đối tượng đã và đang thực hiện các hành vi chiến đoạt tiền thuế của Nhà nước. Cụ thể, về các thủ đoạn gian lận thuế và hành vi chiếm đoạt tiền thuế, chủ yếu như sau.
Thứ nhất, một số cá nhân ở Đồng Nai, Bình Dương, TP. HCM đã thành lập chuỗi DN để cung cấp hóa đơn GTGT cho các DN “đen” tại Tây Nguyên nhằm hợp thức hóa đầu vào đối với mặt hàng cà phê thu mua trực tiếp của người nông dân ở Tây Nguyên, sau đó bán cho các đơn vị trực tiếp xuất khẩu cà phê để được hoàn thuế GTGT đầu vào.
Thứ hai, mua hóa đơn của các DN ma, siêu thị…, hợp thức hóa đầu vào để lập hồ sơ xuất khẩu khống một phần hoặc toàn bộ hàng hóa nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ NSNN.
Thứ ba, một số cá nhân sử dụng CMTND thất lạc, hoặc thuê, mua CMTND rồi báo mất, sau đó thuê người làm giám đốc - thành lập DN nhằm kinh doanh bất hợp pháp hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp cùng với ủy nhiệm chi giả để tiếp tay cho việc chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ NSNN.
Thứ tư, tạo chứng từ thanh toán qua ngân hàng cho hàng hóa mua vào từ 20 triệu đồng trở lên để được khấu trừ thuế đầu vào (hoàn thuế). Hành vi này đã được phát hiện tại một số địa phương như TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Lâm Đồng, Đăk Lăk…
Thứ năm, một số DN nhập lậu các mặt hàng nhập khẩu thuế nhập khẩu cao, sau đó mua hóa đơn của DN ma để hợp thức hóa đầu vào và hợp thức hóa thủ tục thanh toán qua ngân hàng, gây thất thu thuế GTGT khâu nhập khẩu, thuế nhập khẩu và các khoản nộp NSNN.
Thứ sáu, tổ chức hệ thống DN mà nhân thân trong gia đình làm giám đốc, kế toán trưởng, thủ kho… Các DN này thường có lãi lớn, nhưng lại thực hiện 2 hệ thống sổ sách kế toán với mục đích kê khai nộp thuế thấp để trốn thuế.
Về hành vi gian lận, chiếm đoạt thuế đối với ngành, lĩnh vực tại các nhóm DN, cụ thể thế nào?
Đối nhóm DN lớn, có bộ máy kế toán có trình độ, nghiên cứu khá sâu về pháp luật thuế, nhóm DN này thường sai phạm về cơ chế tài chính, cơ chế quản lý. Có thể nêu ra đây một số trường hợp.
DN xây dựng cơ bản: kê khai doanh thu chậm hơn so với thời điểm quyết toán hoặc bàn giao công trình; xác định các điều kiện ưu đãi thuế không đúng quy định. Các DN sản xuất: hạch toán trùng giá vốn, hạch toán trong giá vốn các khoản chi phí vượt định mức tiêu hao do chính người nộp thuế xây dựng. Các đơn vị kinh doanh tân dược: kê khai sai thuế suất thuế GTGT. Hàng hóa là dược phẩm dùng cho biếu tặng, nhưng không khai thuế. Khuyến mại bằng thuốc tân dược không đúng theo quy định của pháp luật thương mại về khuyến mại, không đăng ký theo quy định và kê khai giảm trừ thuế GTGT đầu ra. Các đơn vị khai thác khoáng sản: xác định sai giá tính thuế tài nguyên; thiếu sản lượng tính thuế. Trích khấu hao tài sản vượt quá quy định. Các DN kinh doanh thương mại: đơn vị kinh doanh nhập khẩu hàng tiêu dùng có phát sinh giá mua của DN hoặc thương gia nước ngoài thấp hơn giá tính thuế của hải quan cửa khẩu. Bán hàng hóa, nhưng không xuất hóa đơn do một số người tiêu dùng chưa có thói quen lấy hóa đơn. Nhóm DNNVV: có bộ máy kế toán còn hạn chế (về chính sách thuế, ý thức chấp hành pháp luật thuế…). Đặc biệt, có những đơn vị còn cố tình thực hiện không đúng pháp luật thuế, hạch toán sai chế độ để trốn thuế; không tính doanh thu, thu nhập; không kê khai thuế GTGT đầu ra đối với hàng hóa, dịch vụ bán lẻ do khách hàng không lấy hóa đơn. Nhóm DN có dấu hiệu chuyển giá (DN có vốn đầu tư nước ngoài): đầu tư thông qua việc góp vốn vào DN Việt Nam bằng máy móc, thiết bị và công nghệ đã giúp họ nâng khống giá trị vốn góp, gây thất thu cho NSNN và bất lợi cho DN Việt Nam…
Vậy Tổng cục Thuế sẽ triển khai các giải pháp nào để chống các hành vi gian lận thuế, góp phần hoàn thành kế hoạch năm 2014, thưa ông?
Tổng cục Thuế đã triển khai kế hoạch hành động của Ban Chỉ đạo chống thất thu (Tổng cục Thuế). Theo đó, chỉ đạo các cục thuế tham mưu với UBND và ban chỉ đạo chống thất thu các tỉnh, đôn đốc thu nộp NSNN tại các địa phương để chỉ đạo các sở, ban, ngành trên địa bàn phối hợp với cơ quan thuế triển khai các biện pháp quản lý thu.
Tổng cục chỉ đạo các cục thuế, trên cơ sở chỉ tiêu nhiệm vụ kiểm tra, kế hoạch thanh tra thuế năm 2014; tổ chức rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, nhiệm vụ kiểm tra theo hướng: Tập trung thanh tra, kiểm tra các DN có rủi ro cao về thuế, các DN có rủi ro cao đã được hoàn thuế, DN sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm chống thất thu NSNN; thanh tra, kiểm tra các DN có giá chuyển nhượng, các DN kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử nhằm tăng thu, chống thất thu ngân sách, DN “đen” kinh doanh mua bán nông sản xuất khẩu, kinh doanh hàng hóa qua biên giới đất liền, đặc biệt là xuất khẩu tiểu ngạch qua Campuchia, địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Tính đến hết năm 2013, cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 340 DN có rủi ro cao về hoàn thuế GTGT tại Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, xử lý truy thu và truy hoàn 238,3 tỷ đồng. Công tác thanh, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với công tác thu nợ thuế; triển khai các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo quy định mới tại luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế: Phối hợp với kho bạc, ngân hàng và các tổ chức tín dụng tiến hành cưỡng chế đối với những DN vi phạm pháp luật về thuế bằng các biện pháp phong tỏa tài khoản, trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại kho bạc, ngân hàng, tổ chức tín dụng để nộp vào ngân sách.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Hữu Ánh: Với sự quyết tâm của toàn ngành thuế cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các ngành các cấp, sự nỗ lực vượt qua khó khăn của cộng đồng DN, ngành thuế sẽ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ công tác thuế nói chung và nhiệm vụ thu ngân sách năm 2014 nói riêng ở mức cao nhất, góp phần cùng cả nước thực hiện tốt nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2014. |
Huyền Trang (Thực hiện)