Chủ tịch nước Trần Ðại Quang dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ðảng ủy Công an T.Ư, Bộ trưởng Công an chủ trì hội nghị.
Chủ tịch nước Trần Ðại Quang với các đại biểu dự hội nghị
Những năm qua, lực lượng công an đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường tăng cường đổi mới nội dung, hình thức, tổ chức xây dựng và phát triển phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ðến nay, cả nước có hơn hai nghìn mô hình, tiêu biểu là “Liên kết xây dựng vùng giáp ranh an toàn về an ninh trật tự”, được thực hiện phổ biến và hiệu quả ở nhiều nơi; mô hình “Khu dân cư xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường an toàn về an ninh trật tự” được tất cả địa phương trong toàn quốc triển khai thực hiện.
Qua 5 năm, đã có 344.897 lượt khu dân cư; 33.857 lượt xã, phường, thị trấn, 327.064 cơ quan, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh trật tự. Mô hình ban, tổ bảo vệ dân phố, đội dân phòng, tổ hòa giải được tổ chức thống nhất trong cả nước, phát huy hiệu quả tích cực. Ngoài ra, nhiều mô hình phát huy hiệu quả như: “Dòng họ, tộc tự quản về an ninh trật tự”; “Tổ, nhóm liên gia tự quản về an ninh trật tự”…
Từ phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho lực lượng công an hàng triệu nguồn tin có giá trị, giúp cơ quan chức năng điều tra, khám phá nhiều vụ án, triệt phá nhiều băng, nhóm tội phạm, tệ nạn xã hội, bắt giữ hàng chục nghìn đối tượng, trong đó có những đối tượng truy nã nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm. Xuất hiện hàng nghìn tấm gương quần chúng mưu trí, dũng cảm tiến công, truy bắt tội phạm, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng, tài sản của nhân dân. Hằng năm, hàng trăm xã, phường, cơ quan, doanh nghiệp được Bộ Công an tặng cờ thi đua trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào đã phát huy tốt vai trò làm chủ, tính tích cực, sáng tạo của nhân dân; xây dựng củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân; góp phần củng cố hệ thống chính trị, xây dựng lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở; phục vụ hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đơn vị và trên cả nước.
Ðể tiếp tục đẩy mạnh phong trào trong thời gian tới, hội nghị xác định cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước về bảo đảm an ninh trật tự. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm để duy trì hiệu quả, nâng cao chất lượng các mô hình hoạt động trung bình hoặc còn yếu.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang biểu dương những kết quả, thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc mà cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đã đạt được trong thời gian qua.
Chủ tịch nước nhấn mạnh,cần xác định rõ xây dựng, phát triển phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, trong đó lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt. Cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, lĩnh vực, địa bàn; gắn kết, hòa nhập và cùng phát triển với các phong trào thi đua yêu nước do Ðảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể phát động.
Nhân kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 20 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát biển (28/8/1998 - 28/8/2018), ngày 15/8, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang gặp mặt Ðoàn đại biểu Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chủ tịch nước, 74 đại biểu là cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu của lực lượng Cảnh sát biển, đại diện cấp ủy, chính quyền, ngư dân của 11 xã, huyện đảo và đại diện các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội về tham dự lễ tôn vinh “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, biển, đảo Việt Nam có một vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là không gian sinh tồn và phát triển của dân tộc ta. Lực lượng Cảnh sát biển cần phối hợp chặt chẽ các cơ quan, đơn vị liên quan để nắm chắc, chủ động tổng hợp, phân tích, dự báo chính xác tình hình; kịp thời đề xuất Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng tham mưu với Ðảng, Nhà nước xử lý có hiệu quả các tình huống trên biển, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kiên quyết đấu tranh trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật; chủ động tham gia tìm kiếm, cứu nạn, bảo vệ môi trường và ứng phó các sự cố trên biển; thực hiện tốt công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân, ngư dân làm ăn sinh sống trên biển.
Chủ tịch nước đặc biệt lưu ý, phát huy kết quả đã đạt được trong triển khai thực hiện mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, lực lượng Cảnh sát biển cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ cấp ủy, chính quyền các xã, huyện đảo, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội, đồng thời vận động các nguồn lực xã hội để đồng hành với ngư dân có chiều sâu và thực chất. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho ngư dân, nhất là để ngư dân của ta không vi phạm vùng biển các nước; luôn coi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân gặp tai nạn rủi ro trên biển là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là thực hiện “mệnh lệnh từ trái tim”.
Chủ tịch nước đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương ven biển, trong đó có các xã, huyện đảo, cần tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Ðảng, Nhà nước, nhất là Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, thành các kế hoạch, biện pháp cụ thể để xây dựng, phát triển kinh tế biển bền vững, theo hướng khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên biển, quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là cơ sở hậu cần, chế biến, cầu cảng; gắn phát triển nuôi trồng với nâng cao hiệu quả khai thác, đánh bắt; phát triển các ngành dịch vụ du lịch. Kết hợp chặt chẽ kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh; từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục, hệ thống giao thông nội thủy từ bờ ra đảo; chăm lo đời sống văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng các xã, huyện đảo phát triển về kinh tế - xã hội, mạnh về quốc phòng - an ninh.
Hoan Nguyễn