Nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước, những năm qua, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, ưu tiên nguồn lực đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thu hút các nhà đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các dự án công nghiệp.

Tín hiệu vui trong phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đầu năm 2021 là ngay trong tháng 3, Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư cho 5 khu công nghiệp mới gồm: Khu công nghiệp Sông Lô I, khu công nghiệp Sông Lô II, khu công nghiệp Thái Hòa - Liễn Sơn – Liên Hòa (khu vực II, giai đoạn I), khu công nghiệp Tam Dương I (khu vực 2) và khu công nghiệp Nam Bình Xuyên, nâng tổng số khu công nghiệp được quyết định chủ trương đầu tư lên 14 khu, tổng diện tích trên 2.773 ha. 

Khu công nghiệp Phúc Yên
Khu công nghiệp Phúc Yên.

Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp, Vĩnh Phúc hiện có 19 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục quy hoạch, trong đó có 14 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đến nay, có 8 khu công nghiệp đã triển khai, có đất cho doanh nghiệp thứ cấp thuê. Việc triển khai các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc chủ yếu về bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Thời gian tới, Ban Quản lý các khu công nghiệp sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung rà soát  những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ tại các khu công nghiệp đã triển khai, nhất là khó khăn về giải phóng mặt bằng, giải quyết các tồn tại về vệ sinh môi trường xung quanh các khu công nghiệp. Đối với 5 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư trong quý I/2021, cần rà soát lại các điều kiện để triển khai thực hiện. Về dự thảo Đề án tháo gỡ các điểm nghẽn khơi thông các nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực công nghiệp, một số ý kiến đề nghị cần tập trung giải quyết điểm nghẽn mấu chốt là công tác quy hoạch.

Nhấn mạnh phát triển công nghiệp là nền tảng, động lực phát triển, khâu đột phá thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành đề nghị, Ban Quản lý các khu công nghiệp tập trung hoàn thiện Đề án tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực công nghiệp. Trên cơ sở đó, xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể cho từng khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp phối hợp với các sở, ngành, đơn vị quan tâm vấn đề an sinh xã hội, an ninh trật tự, môi trường trong các khu công nghiệp; bảo đảm hạ tầng, nâng cao chất lượng phục vụ về điện, nước, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp. Các sở, ngành liên quan phối hợp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp; thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển công nghiệp; tham mưu UBND tỉnh xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ phát triển công nghiệp tại các khu công nghiệp; đôn đốc triển khai các dự án liên quan đến hạ tầng phát triển công nghiệp; đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp; dành nguồn lực đầu tư hạ tầng kết nối các khu công nghiệp; quan tâm đến phương tiện phục vụ công nhân làm việc trong các khu công nghiệp. Thực hiện tốt các thủ tục, giải quyết các điểm nghẽn về đất đai, giải phóng mặt bằng; giải quyết vấn đề môi trường trong và ngoài các khu công nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cũng đề nghị các huyện, thành phố làm tốt công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các khu công nghiệp.

Quyết tâm tạo ra những lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư, hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, tại hội nghị xúc tiến đầu tư giữa tháng 11/2020 với chủ đề “Vĩnh Phúc - điểm đến tiềm năng và an toàn”, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cho biết, với chính sách thu hút đầu tư là không chỉ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp mà còn muốn xây dựng hệ sinh thái về công nghiệp, hiện nay, Vĩnh Phúc đã chuẩn bị sẵn 500 ha đất sạch cho công nghiệp nhưng cũng quy hoạch nhiều khu trung tâm đô thị xây dựng các khách sạn, khu du lịch cùng với đội ngũ nhân lực chất lượng cao.

“Nếu có vướng mắc trong quá trình đầu tư, các nhà đầu tư có thể liên hệ trực tiếp tới Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các giám đốc sở, ban, ngành để giải quyết”, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành nhấn mạnh.

Hoan Nguyễn