Bão số 3 đổ bộ, Quảng Ninh nằm trong tâm bão chịu sức tàn phá khủng khiếp, thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động KT-XH của tỉnh.
Với sức gió cấp 13-14 giật cấp 17, bão đã làm 269 phương tiện tàu, thuyền hoạt động tại địa bàn tỉnh bị đắm, chìm, trong đó, 28 tàu du lịch hoạt động đưa khách tham quan vịnh Hạ Long.
Để đảm bảo ATGT đường thủy, khơi thông các luồng tuyến thủy nội địa đáp ứng nhu cầu phục hồi hoạt động du lịch, giao thương hàng hóa, ngay sau bão, Sở GT-VT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, phối hợp các đơn vị, doanh nghiệp tiến hành trục vớt, xác định các vị trí tàu bị chìm để cảnh báo cho phương tiện qua lại… đảm bảo an toàn cho các luồng, tuyến giao thông thủy. Đến nay, đã trục vớt được 9/28 tàu du lịch, trong đó có 2 tàu ngủ đêm.
Tại cuộc họp, đại diện Hiệp hội tàu du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch trên vịnh Hạ Long đã bày tỏ cảm ơn trước sự quan tâm, chỉ đạo khắc phục sau bão của tỉnh để hoạt động du lịch sớm trở lại bình thường; đồng thời, thông tin một số khó khăn như chi phí trục vớt tàu chìm đắm lớn, vốn vay ngân hàng khó tiếp cận, doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo nghĩa vụ tài chính với các chính sách thuế và bảo hiểm.
Từ đó, đại diện Hiệp hội tàu du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch đề nghị UBND tỉnh có các giải pháp hỗ trợ, kết nối với các đơn vị trục vớt, sửa chữa, đóng mới để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn như giãn, hoãn các khoản nợ, cho vay mới, giảm thuế theo quy định hiện hành của Nhà nước; hỗ trợ thủ tục pháp lý trong cấp giấy chứng nhận, đăng ký phương tiện…
Sau khi lắng nghe và phân tích các kiến nghị, đề xuất từ doanh nghiệp và đại diện các sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy chia sẻ với những khó khăn, mất mát của các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Đội tàu du lịch là một phần không thể tách rời trong mục tiêu khai thác hiệu quả, bền vững di sản, kỳ quan vịnh Hạ Long. Đội tàu đã từng bước được nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng bộ, hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa.
Để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch, tỉnh đã có nhiều giải pháp, chỉ đạo khắc phục ngay sau bão. Tuy nhiên, một số nội dung như hỗ trợ chi phí trục vớt tàu trong các quy định, chính sách Nhà nước chưa có điều mục này.
Với tính chất đặc thù, Quảng Ninh đã báo cáo, đề xuất Chính phủ, Bộ GTVT hướng dẫn, bổ sung, mở rộng đối tượng hỗ trợ để các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch một phần chi phí trục vớt, khắc phục thiệt hại phương tiện thủy bị chìm, đắm do cơn bão số 3.
Đối với đề xuất tiếp cận nguồn vốn, UBND tỉnh đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đề nghị giãn, hoãn các khoản nợ, cho vay mới theo hình thức tín chấp.
Hiện các tổ chức tín dụng vẫn đang triển khai các bước để hướng dẫn cụ thể cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu tiếp cận vốn. Các đơn vị khác cũng đã thực hiện các chính sách miễn thuế, giảm thuế theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Cũng nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị các doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, mở rộng, khai thác hiệu quả giá trị cảnh quan đặc sắc của vịnh Hạ Long theo hướng bền vững, bằng việc rà soát, nghiên cứu, đưa thêm các sản phẩm du lịch mới vào khai thác; cần quan tâm các vấn đề hạ tầng; đảm bảo môi trường, bảo vệ cảnh quan.
Trước mắt, đồng chí gợi ý có thể triển khai thí điểm một số tuyến tham quan mới; khẩn trương ban hành các quy chế, quy định mới trong quản lý hoạt động của tàu du lịch nhằm đáp ứng, phù hợp với mục tiêu phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Trần Trang (t/h)