Trăn trở từ không ít DN đó là việc cấp chứng nhận đăng ký cho sản phẩm còn nhiều trường hợp có hình, chữ… na ná hoặc chỉ khác vài từ - gây nhầm lẫn đối với NTD. Khâu kiểm soát thị trường, lực lượng chức năng khi bắt hàng hóa thiếu tem nhãn phụ thì đông, nhưng khi đấu tranh chống hàng giả thì lại kêu “thiếu người” (!?).
Đối với NTD, tâm lý hoang mang, lưỡng lự - không biết lựa chọn sản phẩm nào, thậm chí mất niềm tin…
Thực trạng hàng giả, hàng nhái vẫn nhức nhối
Đại diện một DN cho biết: Về luật, cơ quan chức năng đã cấp chứng nhận đăng ký cho sản phẩm trước đó rồi thì sản phẩm sau - nếu có dấu hiệu gây nhầm lẫn (về phần hình và phần chữ…) sẽ bị từ chối. Tuy nhiên, về mặt xã hội, đâu đó, cơ quan chức năng, vì những lý do riêng, vẫn cấp chứng nhận đăng ký cho một số nhãn hiệu đăng ký sau có dấu hiệu dễ gây nhầm lẫn!
Ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam nhìn nhận: Việc chống hàng giả đang được giao cho lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan chức năng liên quan. Mặc dù, công tác này được triển khai khá tích cực nhưng hàng giả vẫn tràn lan, chứng tỏ điều hành, kiểm tra chưa tròn trách nhiệm!
Hiện nay, hàng giả, hàng nhái tràn lan thị trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, làm mất uy tín đối với các DN làm ăn chân chính, ảnh hưởng lớn đến chính trị, xã hội.
“Để kiểm soát được, trước hết phải có văn bản pháp luật đầy đủ. Song thực tế, văn bản pháp luật còn nhiều bất cập. Luật An toàn thực phẩm không chuẩn, không sát; không đề xuất được biện pháp phòng chống hàng giả; tiêu chí thực phẩm giả lại không có.
Không xây dựng được phương pháp kiểm soát hàng giả trên cơ sở các mối nguy; không biết khâu nào là khâu dễ xảy ra hàng giả nhất trong chuỗi cung cấp thực phẩm. Chỉ khi xảy ra, kiểm tra mới phát hiện rồi làm rùm beng lên. Lẽ ra, phải phòng ngừa, kiểm tra chuỗi cung cấp thực phẩm từ nguyên liệu đến nơi chế biến để tập trung kiểm soát, hoặc tìm ra những đối tượng hay làm giả…”, ông Đáng nêu.
Theo ông Lê Phú Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu THT Việt Nam, thời gian qua, cơ quan chức năng đã tích cực bảo vệ những DN làm ăn chân chính, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời những vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái.
Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn chưa được như kỳ vọng và còn nhiều bấp cập: Chế tài xử phạt chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe; công tác tuyên truyền cho DN, NTD hiểu và nhận biết đúng về tác hại của việc sản xuất, kinh doanh hàng giả hàng nhái còn hạn chế; còn có sự chồng chéo giữa các bộ, ngành; hiện tượng cán bộ bảo kê, tiếp tay cho sai phạm vẫn tồn tại...
Để công tác này mang lại hiệu quả hơn, cần giải quyết 3 vấn đề:
Thứ nhất, tuyên truyền liên tục và thường xuyên, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân kinh doanh để DN tự bảo vệ thương hiệu sản phẩm của mình bằng cách đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, kiểu dáng, nhãn mác; NTD cần mua hàng tại những cơ sở có uy tín, đúng nguồn gốc xuất xứ.
Thứ hai, xây dựng và ban hành chế tài xử phạt nghiêm minh, cần xử lý hình sự những tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái gây hậu quả nghiêm trọng.
Thứ ba, nâng cao trình độ, trách nhiệm của cán bộ thực thi, xử lý nghiêm các cán bộ tiêu cực, tiếp tay, bảo kê cho sai phạm. Ngoài ra, cần đưa công nghệ thông tin vào việc đấu tranh đẩy lùi hàng giả, hàng kém chất lượng…
Rõ ràng, để tròn vai, từ cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng còn rất nhiều việc phải làm. Nếu không nhìn thẳng và nhanh chóng khắc phục những tồn tại, đồng thời thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt hành động, nói đi đôi với làm…, thì cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái sẽ mãi là bài toán nan giải!
Thanh Hà