Dự án chưa được UBND tỉnh phê duyệt
Như Thương hiệu & Công luận đã đăng tải loạt bài viết “Dự án “lộng lẫy” trên giấy: Mở bán nhà khi chưa có móng”; “Mua nhà khi chưa có GPXD của BIM group: Khách hàng đối mặt nhiều rủi ro”.
Liên quan đến dự án, PV đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Sở Xây dựng Quảng Ninh. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho hay: Về tính pháp lý, tính đến thời điểm tháng 10/2017, dự án trên đã được UBND TP. Hạ Long phê duyệt Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 (QĐ số 6322/QĐ-UBND ngày 09/6/2017 của UBND TP. Hạ Long); đã được Sở TN&MT cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (số BE 326633, số vào sổ CT00412 - do Sở TN&MT cấp ngày 01/7/2011); đã được Sở Xây dựng thẩm định và trình UBND lựa chọn CĐT và chấp thuận chủ trương đầu tư tại Tờ trình số 415/TTr-SXD ngày 21/8/2017.
Tuy nhiên, dự án chưa được UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.
Chỉ là bãi đất trống nhưng CĐT BIM group và các sàn đang "tay không bắt giặc" hút vốn của khách hàng?
Cũng theo ông Tuấn, hồ sơ thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công của dự án chưa được cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt theo quy định (công trình cấp I, thuộc thẩm quyền thẩm định của Bộ Xây dựng).
Do Sở Xây dựng chưa nhận được hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng tại dự án của Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long, vì vậy, Sở chưa có cơ sở cấp giấy phép xây dựng cho dự án.
Mặc dù chưa được phê duyệt và cấp phép xây dựng, nhưng CĐT - BIM group vẫn liên tiếp mở bán nhà trên giấy - Dự án Chung cư Citadines Marina Hạ Long. Thông tin mở bán thành công, cũng được CĐT quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông: Từ tháng 5/2017 đến thời điểm hiện tại, CĐT đã mở bán thành công 3 đợt tại Khách sạn Melia (Hà Nội), các đợt mở bán được truyền thông đăng tải rầm rộ với số lượng căn hộ bán ra rất lớn.
Vị lãnh đạo Sở Xây dựng nêu quan điểm, đến nay, Sở chưa cấp giấy phép xây dựng công trình, chưa có thông báo dự án đủ điều kiện huy động vốn và bán nhà ở hình thành trong tương lai.
“Lễ ra mắt DA… chỉ là quảng cáo”
Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, theo Báo cáo của BIM group (Báo cáo số 686/BC-BIM-QN-549 ngày 26/8/2017) thì, BIM “chưa tiến hành mở bán chính thức, chưa ký hợp đồng mua bán chính thức, chưa thu tiền đặt cọc với khách hàng, mà chỉ tổ chức sự kiện với mục đích giới thiệu và ra mắt dự án”.
Lý lẽ hợp thức hóa việc bán hàng, giữ chỗ đặt cọc được công ty này đưa ra là: “Mọi đăng ký của khách hàng chỉ là hình thức tự nguyện có đơn đăng ký và nộp một khoản tiền thiện chí để đảm bảo giới thiệu một số sản phẩm”.
Tuy nhiên, trái với những nội dung trong Báo cáo của BIM group, cả 3 đợt tổ chức giới thiệu mở bán - đều được BIM group truyền thông rầm rộ về mở bán thành công trên các phương tiện thông tin đại chúng; tại thư mời dù ghi là lễ giới thiệu dự án, nhưng trong tờ chương trình đều có ghi rõ thời gian mở bán và thư mời, được đại diện CĐT, GĐ điều hành - ông Lê Minh Dũng ký tên.
Theo tìm hiểu của PV, Dự án Chung cư Citadines Marina Hạ Long được quảng cáo bán hàng rầm rộ trên rất nhiều website, sàn giao dịch BĐS. PV không khó khăn gì trong việc liên hệ mua nhà tại dự án, theo các nhân viên tư vấn, đợt 1, chỉ cần đặt cọc 100 triệu đồng là có thể giữ chỗ khi ép cọc dự án, số tiền còn lại sẽ được chia làm 6 đợt thanh toán tiếp theo cho đến khi bàn giao sổ cho khách hàng.
Liên quan tới việc bán nhà trên giấy của BIM group, quan điểm của Sở Xây dựng: Việc công ty tổ chức lễ ra mắt dự án tại Hà Nội bước đầu (theo báo cáo) có thể chỉ là để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm là quyền của công ty. Việc tham gia dự lễ ra mắt của khách hàng là tự nguyện; nếu xuất hiện các quan hệ kinh tế mua bán, huy động vốn… thì đây là quan hệ dân sự giữa BIM với khách hàng; khách hàng sẽ có quyền yêu cầu công ty cung cấp đầy đủ các thủ tục, điều kiện theo quy định pháp luật trước khi ký hợp đồng. Nếu xung đột xảy ra mà các bên không tự giải quyết được thì tòa án sẽ xử lý giải quyết theo điều khoản hợp đồng theo pháp luật dân sự.
Mở bán DA - “bán thứ không có thật”?
Trao đổi với PV về vấn đề trên, luật sư Lê Hồng Hiển, GĐ Công ty Luật Lê Hồng Hiển và cộng sự cho hay: Hành vi giới thiệu dự án, mở bán của CĐT BIM group là hoàn toàn sai, vì “bán thứ không có thật”.
Luật sư Hiển lập luận: Giả sử, bây giờ CĐT được phê duyệt hết rồi họ mở bán - đó mới được coi là tài sản hình thành trong tương lai. Đằng này, hiện tại CĐT chưa có giấy phép xây dựng, chưa được UBND tỉnh chấp thuận dự án, chưa được Sở xây dựng cấp phép mở bán, nhưng lại tổ chức giới thiệu dự án rồi mở bán, nhận tiền đặt cọc của khách hàng?
Dù về hình thức, CĐT có nói là giới thiệu dự án, song thực chất đây là kiểu “lách luật” - đã nhận tiền của khách hàng. CĐT giới thiệu một dự án với lời lẽ rất hay, nhưng thực chất dự án đó chưa phải thuộc sở hữu bán hàng của họ.
Cũng theo luật sư Hiển, về mặt pháp lý, hành vi này của CĐT đã có dấu hiệu lừa đảo khách hàng. Vì chưa có văn bản, quyết định của cơ quan có thẩm quyền nào đồng ý cho CĐT thực hiện dự án mà họ đã bán và nhận tiền giữ chỗ của khách hàng.
“Kể cả trong trường hợp người dân đưa tiền cho CĐT, thì cách thức lúc đầu CĐT truyền đạt đến khách hàng như thế nào, bản chất ở đây nếu CĐT nói đúng là họ mới chỉ có quyết định phê duyệt 1/500 và chưa được cấp phép hồ sơ giấy tờ gì cả, thì liệu có ai dám cọc tiền hay không?”, luật sư đặt câu hỏi.
Luật sư Hiển nhấn mạnh: Về mặt pháp lý, dự án này trong tương lai có thể được cấp phép, nhưng cũng có thể không được cấp phép. Vì thế, nếu các sàn giao dịch BĐS huy động vốn, kêu gọi ký hợp đồng mua bán hay đặc cọc dự án trên giấy của CĐT BIM group thì các sàn cũng là “đồng phạm”.
Giả sử, dự án này không được cấp phép, nhưng số tiền khách hàng “có thiện chí” đã nộp cho sàn giao dịch hay nộp cho CĐT, nhưng sàn giao dịch và CĐT không trả lại - sẽ cấu thành tội lừa đảo và ở đây là thủ đoạn gian dối nhằm làm cho khách hàng tin tưởng giao tài sản.
Kiều Tuyết