Quan điểm trên được ông Nguyễn Anh Đức - Giám đốc Khối Phát triển Khách hàng tổ chức, CTCP Chứng khoán SSI – chia sẻ tại buổi ‘talkshow’ có chủ đề “Ngân hàng bán lẻ - Động lực bứt phá của ngành ngân hàng”, diễn ra vào chiều nay (16/12).
Theo vị chuyên gia này, có rất nhiều dự đoán chưa đúng về dòng tiền khối ngoại. Cụ thể, theo ông Đức, bên bán ròng đa số là những quỹ đã đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2018 và có lợi nhuận tương đối tốt. Hầu hết, những quỹ này chuyên đầu tư vào thị trường mới nổi. “Khi xu hướng rút vốn khỏi các quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi diễn ra, Việt Nam cũng không tránh khỏi bị rút vốn”, ông Đức nói.
Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, cũng có nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, có nhiều quỹ ở Thái Lan, Trung Quốc và Đài Loan. “Con số này không hề nhỏ”, ông Nguyễn Anh Đức nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này cũng kỳ vọng các quỹ này – trong vòng từ 2-3 quý tới - có thể đủ lớn và cân bằng lượng bán ròng của các quỹ đã vào từ trước. Dòng tiền và tăng trưởng lợi nhuận được cho là những yếu tố sẽ có tác động lớn tới thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý IV/2021 và quý I/2022.
Ngoài dòng tiền khối ngoại, khối nội đang chiếm tới 95% giao dịch trên thị trường. Trong đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ mới là nhóm đang chiếm vai trò quyết định xu hướng dòng tiền.
“Việt Nam hiện có khoảng 4 triệu tài khoản chứng khoán, tương đương 4,2-4,3% dân số. Số lượng người tham gia thực tế có thể thấp hơn. Trong khi tỉ lệ này ở Thái Lan khoảng 10%, và khoảng 20-30% ở các nước đang phát triển”, vị chuyên gia nhẩm tính và cho rằng, sức lan toả có thể sẽ diễn ra rất mạnh mẽ và lượng tài khoản mở mới sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. “Khi khối nội dẫn dắt, thị trường sẽ diễn biến rất nhanh, sôi động”, ông Đức cho hay.
Về tăng trưởng lợi nhuận, ông Đức kỳ vọng, việc phục hồi kinh doanh sau đại dịch sẽ giúp thu nhập của người dân được cải thiện, từ đó tạo nên sự phục hồi mảng tiêu dùng nội địa. Các ngành dự báo sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này bao gồm: Bán lẻ, tiêu dùng, bất động sản, xây dựng, ngân hàng, chứng khoán.
Phương Thảo