Giới doanh nhân Hà Nội không ai lạ gì Đường “bia” – biệt danh của doanh nhân Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình với câu chuyện thành công của một cựu binh khởi thủy bằng nghề đạp xích lô giao bia trở thành nhà cung cấp lúa mạch hàng đầu thị trường.
Trên đà phát triển, ông “lấn sân” sang nhiều lĩnh vực kinh doanh khác, xây dựng cho mình một “đế chế” với hàng chục công ty thành viên ở nhiều lĩnh vực như bia, đồ uống, bất động sản, bán lẻ, sản xuất thép...
Đến nay, gắn với cái tên Nguyễn Hữu Đường – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình là hàng loạt dự án bất động sản nổi tiếng như: Khách sạn Hòa Bình Palace (Hà Nội); Hòa Bình Green Apartment (Hà Nội); Hòa Bình Green City (Hà Nội)…
Đặc biệt, phải kể đến lĩnh vực du lịch, doanh nhân Nguyễn Hữu Đường ghi dấu ấn với một loạt công trình độc nhất vô nhị như: Hanoi Golden Lake - dự án duy nhất trên thế giới với toàn bộ kiến trúc được dát vàng “từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài”, bể bơi vô cực dát vàng tại Danang Golden Bay, căn hộ dát vàng dưới đáy biển - Hội An Golden Sea...
Trăn trở khi hàng Việt bị “ép sân”
Đầu tư, va chạm và thành công ở nhiều lĩnh vực càng khiến ông Đường nhìn rõ hơn sự lép vế của hàng tiêu dùng nội địa trước sự lấn át của thương hiệu nước ngoài.
Hầu như tất cả các trung tâm thương mại (TTTM) lớn trên cả nước đều đã bị nước ngoài thâu tóm, như: AEON của Nhật Bản, Lotte của Hàn Quốc và Big C của Pháp và Metro đã bán cho Thái Lan… Ai nắm được hệ thống thương mại, người đó có quyền quyết định việc bán hàng gì, từ đó chi phối thị trường, điều phối sản xuất. Chính vì thế, hàng tiêu dùng nội địa phải chịu lép vế trước cơn đổ bộ ồ ạt của thương hiệu ngoại, doanh nghiệp trong nước khó khăn vì không tiêu thụ được hàng hóa, người tiêu dùng phải mua hàng ngoại nhập với giá cao.
Chính sự trăn trở ấy khiến doanh nhân Nguyễn Hữu Đường luôn ấp ủ dự án xây dựng chuỗi Trung tâm thương mại – Outlet V+ trên cả nước, miễn phí 100% tiền thuê mặt bằng cho doanh nghiệp, chỉ cần điều kiện là họ bán hàng Việt Nam. Không mất tiền thuê mặt bằng, chỉ phải trả tiền điện, nước và vận hành sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, từ đó giảm giá bán hàng từ 30-50% tạo nên lợi thế cạnh tranh cho hàng nội địa.
Từ năm 2015, ông đã bước đầu hiện thực hóa dự án này khi dành tới 25.000m2 sàn tại TTTM Hòa Bình ở 505 Minh Khai, Hà Nội để miễn phí cho các doanh nghiệp trong nước làm nơi giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm của mình. Giá trị mặt bằng miễn phí từ năm 2015 đến nay đã lên tới hơn 1.250 tỷ đồng. Việc miễn phí thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp đã đem lại hiệu quả cao, giá bán rẻ hơn so với các TTTM khác tới 30%, khiến lượng tiêu thụ cũng như sức cạnh tranh thị trường tăng đáng kể.
Tư duy đột phá – vì sao chưa được quan tâm?
Chia sẻ về dự án ấp ủ bấy lâu nay, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình nhấn mạnh: “Xây dựng thành công chuỗi TTTM – Outlet V+ trên 63 tỉnh thành cả nước sẽ tạo lực đẩy mới giúp các doanh nghiệp Việt có động lực cạnh tranh, giành lại thị phần từ các đối thủ nước ngoài; đồng thời, phá thế độc quyền, giành lại huyết mạch tiêu thụ hàng hóa trong tay các nhà bán lẻ đang khống chế thị trường”.
Tại Hà Nội, ông Đường đã lập Đề án xây dựng Tổ hợp TTTM – Outlet, nhà ở thương mại, xã hội Hòa Bình tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh và gửi tới UBND TP.Hà Nội. Cụ thể, TTTM - Outlet V+ khi hoàn thành sẽ có hơn 300.000 m2 sàn thương mại đáp ứng hơn 10.000 gian hàng; hơn 100.000 m2 diện tích hậu cần kho bãi; 2,5 ha dành riêng cho khu làng nghề; 1 ha dành cho khu vực lễ hội; 3,5 ha là khu các cảnh quan - di tích nổi tiếng thế giới dát vàng, cùng với nhiều tiện ích khác, có thể phục vụ khoảng 500.000 khách/ngày.
Dự kiến, đây sẽ là dự án TTTM - Outlet lớn nhất khu vực Đông Nam. Nếu đi vào hoạt động ước đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng/ngày, tiền thuế mà Hà Nội thu được khoảng 50 tỷ đồng/ngày (18.250 tỷ đồng/năm), tạo ra khoảng 15.000 - 20.000 việc làm. Qua đó, sẽ hình thành một hệ sinh thái hàng cho trăm doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất phục vụ đại siêu thị này hoạt động. Chưa kể, hàng chục ngàn thương hiệu, doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ là đối tác cung cấp hàng tại đây.
Dự án còn đóng góp nhiều lợi tích đến nền kinh tế của đất nước, đặc biệt ở lĩnh vực du lịch. Hàng hóa rẻ hơn các nơi khác 30 - 50% (do các thương hiệu được miễn phí thuê mặt bằng, chỉ phải trả chi phí điện nước, vận hành…), Trung tâm thương mại, Outlet V+ sẽ thu hút hàng triệu khách quốc tế vào Việt Nam du lịch, mua sắm, đồng thời sẽ có hàng triệu lượt người Việt đến Trung tâm thương mại - Outlet V+ mỗi năm.
“Chúng tôi gửi văn bản tới UBND TP.Hà Nội xin được thực hiện Dự án theo hình thức thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật. Nếu sớm được phê duyệt, chỉ 15-18 tháng sau, trung tâm thương mại sẽ hoàn tất xây dựng, đi vào hoạt động, góp phần rất lớn phát triển kinh tế” – ông Đường chia sẻ.
Có thể nói, dự án Tổ hợp TTTM – Outlet V+ miễn phí 100% tiền thuê mặt bằng của doanh nhân Nguyễn Hữu Đường là ý tưởng táo bạo, đột phá và cũng đã có minh chứng hiệu quả từ thực tế (tại TTTM Hòa Bình 505 Minh Khai, Hà Nội) rất cần sự ủng hộ, hỗ trợ từ phía chính quyền.
Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu rất nhiều áp lực từ đại dịch Covid-19, hàng nghìn doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản thì một dự án do doanh nghiệp tự bỏ vốn, có thể tạo ra hàng chục nghìn việc làm, tạo ra động lực giành lại thị trường tiêu thụ cho hàng Việt từ các nhà bán lẻ đang khống chế thị trường, cứu cánh cho hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất lại càng cần được sự quan tâm, tạo điều kiện.
Tại một số phiên họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng đưa ra những chỉ đạovề tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Theo đó, đặt lợi ích của nhân dân, doanh nghiệp lên hàng đầu, những gì pháp luật chưa kịp đổi mới theo sự phát triển, chưa có tiền lệ, quy định thì nghiên cứu bổ sung để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát huy sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế.
Và đến thời điểm hiện tại, tại dự án Dự án Tổ hợp TTTM – Outlet, nhà ở thương mại, xã hội Hòa Bình của Tập đoàn Hòa Bình vẫn đang chờ đợi các cơ quan có thẩm quyền xem xét và sớm đưa ra câu trả lời một cách thỏa đáng nhất.
Đông Hòa