Dự thảo chương trình môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới được Bộ GD&ĐT thực nghiệm tại 48 trường phổ thông thuộc 6 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, đại diện 6 vùng kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước; mỗi tỉnh tiến hành thực nghiệm tại 3 trường tiểu học, 3 trường trung học cơ sở và 2 trường trung học phổ thông.

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Học sinh THPT được giảm 315 giờ học mỗi năm - Hình 1

Học sinh THPT được giảm tới 315 giờ học mỗi năm. (Ảnh minh họa)

Kết quả thực nghiệm cho thấy hầu hết dự thảo các chương trình môn học phù hợp và khả thi với trình độ học sinh các trường tham gia thực nghiệm.

Theo Bộ GD&ĐT, chương trình giáo dục phổ thông mới đã giảm tải so với chương trình hiện hành là giảm số môn học, giảm số giờ học, chọn lọc nội dung giáo dục thiết thực, đổi mới phương pháp giáo dục, tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn môn học, chủ đề học tập và tăng cường các hoạt động thực hành.

Cụ thể: ở tiểu học, chương trình mới có 7 môn học ở lớp 1 và lớp 2; 9 môn học ở lớp 3; 10 môn học ở lớp 4 và lớp 5. Về giờ học, học sinh học 2.353 giờ.

Ở THCS, theo chương trình mới, các lớp đều có 12 môn học. Học sinh học 3.070 giờ; giảm 54 giờ so với chương trình hiện hành.

Ở THPT, theo chương trình mới, các lớp đều có 13 môn học. Học sinh học 2.284 giờ; giảm 262 giờ so với chương trình Ban cơ bản hiện hành; giảm 315 giờ so với chương trình Ban A, Ban C hiện hành…

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, sau khi ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT sẽ báo cáo Chính phủ xem xét quyết định lộ trình áp dụng trong thời gian Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, đồng thời đảm bảo chất lượng chương trình, sách giáo khoa mới cùng với việc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thực hiện nhằm đảm bảo sự thành công khi triển khai áp dụng.

Hằng Vương (t/h)