Hải Phòng: Kinh hoàng lòng lợn tẩy trắng bằng hóa chất pha nước thải 

Tin từ cơ quan chức năng huyện An Dương cho biết, huyện đã chỉ đạo xã Đại Bản tiến hành tiêu hủy gần một tấn lòng lợn đã sấy khô và đang tẩy trắng bị Đoàn liên ngành phát hiện ngày 3/7.

Trước đó, qua xác minh theo phản ánh của người dân địa phương, Công an huyện An Dương, TP. Hải Phòng phát hiện tại khu vực ngoài đê thôn Lê Xá, xã Đại Bản, huyện An Dương có một lán trại chế biến thực phẩm do Nguyễn Thị Thức (40 tuổi, ở Xóm 3, xã Tân Tiến, huyện An Dương) xây dựng từ đầu tháng 5/2017, quá trình hoạt động gây ô nhiễm môi trường.

Khi đã nắm bắt được quy trình hoạt động của cơ sở, chiều ngày 3/7, lực lượng chức năng huyện, bất ngờ kiểm tra và phát hiện 300kg lòng lợn đang trong quá trình tẩy trắng và 500kg lòng lợn đã được sấy khô đang được các nhân viên đóng vào các túi nilon không có nhãn mác.

Thời điểm cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, người đại diện cơ sở là bà Lê Thị Mai, 55 tuổi, ở thôn 3 Do Nha, xã Tân Tiến, cùng huyện An Dương và 6 người đang làm việc tại đây không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng nêu trên.

Theo chủ cơ sở khai nhận, toàn bộ số lòng trên được mua tại các chợ và lò giết mổ trên địa bàn thành phố, sau đó nhúng qua nước sôi rồi ngâm vào nước pha hóa chất tẩy trắng.Nguồn nước sử dụng tẩy lòng được lấy từ ao chứa nước thải của cơ sở này bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Khi lòng đã sơ chế xong, đem phơi trên các bếp than tổ ong cho khô và hun khói mùn cưa để khử mùi hôi, tạo màu, sau đó đóng gói đem ra thị trường tiêu thụ.

Hà Tĩnh: Phát hiện cơ sở sản xuất giò chả từ nguyên liệu không rõ nguồn gốc

Công an huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) vừa phối hợp cùng đoàn liên ngành của huyện tiến hành kiểm tra một cơ sở sản xuất giò chả trên địa bàn.

Khi kiểm tra cơ sở của anh Đậu Đức Hiệp, SN 1966, trú tại TDP 10 - Thị trấn Hương Khê thì lực lượng chức năng đã phát hiện cơ sở này có hành vi sử dụng chất phụ gia, nguyên liệu không rõ nguồn gốc để sản xuất giò chả.

Lực lượng chức năng đã thu giữ được 3 hộp nhựa, 1 chậu nhựa đựng chất bột màu trắng có trọng lượng 2,2 kg không có nhãn mác và 3 chậu nhôm đựng mỡ động vật, trọng lượng 30kg không rõ nguồn gốc...

Vụ việc trên hiện vẫn đang được thu thập hồ sơ tài liệu để xử lý theo quy định của pháp luật.

Phát hiện nhiều sai phạm trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng trẻ em

Ngày 5/7, Thanh tra Bộ Y tế đã công bố kết luận thanh tra của 13 đơn vị sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ tại TP. Hồ Chí Minh. Phần lớn các đơn vị đều có những sai phạm, nhẹ nhất ở mức cần nhắc nhở khắc phục, nặng là xử phạt hành chính.

Ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế, Trưởng đoàn Thanh tra cho biết: Đoàn đã nhắc nhở, yêu cầu 8 đơn vị sản xuất, kinh doanh khắc phục ngay các lỗi vi phạm như: không lưu mẫu thức ăn; không kiểm định sản phẩm định kỳ hoặc kiểm định không đầy đủ; bảo quản nguyên liệu tồn chưa đúng quy định; ghi nhãn mác trên các sản phẩm dinh dưỡng gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng… Điển hình là trên một số sản phẩm của Công ty Abbott Việt Nam dành cho trẻ nhỏ có ghi thông tin dễ gây hiểu nhầm gián tiếp so sánh với sữa mẹ: “Dinh dưỡng không chứa dầu cọ đã được chứng minh tăng cường hấp thu can xi và giúp phân mềm gần giống với phân trẻ bú mẹ”. Hay Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood không ghi giờ, ngày lưu mẫu; không có đủ giá, kệ để bảo quản mẫu lưu theo quy định.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ Y tế cũng phát hiện, xử phạt hành chính 5 đơn vị sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn HUMANA Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại nhựa Cầu Vồng, Công ty Cổ phần sản xuất thương mại Tân Úc Việt, Công ty sản xuất thương mại xây dựng Đại Nam và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Châu Đại Dương, với lỗi vi phạm không thực hiện kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm, mức xử phạt mỗi công ty là 25 triệu đồng. 

Đồng Nai: Phát hiện hàng ngàn chai rượu giả

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và quản lý chức vụ (PC46) Công an tỉnh Đồng Nai vừa tiến hành điều tra hai cơ sở kinh doanh có dấu hiệu kinh doanh rượu giả với số lượng lớn.

Khoảng 8 giờ, ngày 29/6, Phòng PC46 kiểm tra phát hiện tại kho hàng của Công ty T.P.N (tại KP.5, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa) có 4.400 chai rượu các loại có dấu hiệu làm giả. Ông Nguyễn Huy Tiến đại diện Cty T.P.N không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số rượu trong kho.

Cùng thời điểm này, một tổ công tác khác của PC46 tiến hành kiểm tra đại lý rượu bia nước giải khát T.T. (tại ấp 5, xã An Phước, huyện Long Thành) do ông Nguyễn Văn Lai làm chủ và phát hiện 2.648 chai rượu các loại có dấu hiệu làm giả. Chủ cơ sở  không xuất trình được chứng từ số hàng nói trên. 

Phát hiện nhiều sai phạm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm

Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, qua thanh tra đột xuất 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm, thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm.

Cụ thể, về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, đa số các cơ sở được thanh tra sản xuất theo phương pháp truyền thống (ủ chượp) có tính chất nhỏ lẻ. Do vậy, tại thời điểm thanh tra, các cơ sở còn nhiều sai lỗi về điều kiện vệ sinh nhà xưởng (khu vực sản xuất còn nhiều bụi bẩn, ẩm mốc), một số cơ sở chưa tuân thủ yêu cầu về thực hành sản xuất và thao tác vệ sinh (tiến hành san chiết nước mắm trực tiếp trên nền nhà xưởng, không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả sự xâm nhập của động vật gây hại, bảo hộ lao động không đảm bảo vệ sinh…).

Về nhãn, bao bì sản phẩm: thiếu thông tin về địa chỉ sản xuất, thời hạn sử dụng, chỉ tiêu chất lượng phải công bố trên nhãn…

Về chất lượng sản phẩm, hàm lượng đạm tổng số trong nước mắm ở một số cơ sở không đạt so với hàm lượng công bố trên nhãn sản phẩm.

TP. HCM: Phát hiện 2 container hàng hóa đã qua sử dụng nhập lậu

Tại cảng Cát Lái (TPHCM), Đội Kiểm soát Hải quan thuộc Cục Hải quan TP. HCM đã chủ trì phối hợp với lực lượng liên ngành chức năng khám xét 2 container hàng nhập khẩu, phát hiện chứa máy điều hòa không khí, tủ lạnh đã qua sử dụng nhập lậu.

Theo khai báo, lô hàng nhập khẩu được khai là ống nhựa nhưng thực tế là hàng đã qua sử dụng nhằm qua mặt cơ quan chức năng.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 2 container chứa hàng trăm tủ lạnh, máy lạnh, vật dụng gia đình như chén, đĩa, ly lọ hoa... Lô hàng đã qua sử dụng, thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu vào nước ta.

Thông tin từ Hải quan TP. HCM thì 2 container hàng được nhập khẩu từ Nhật Bản về cảng Cát Lái vào giữa tháng 6. Đơn vị nhận hàng là Công ty TNHH TM DV Phạm Đức (địa chỉ: số 1050 Phạm Văn Đồng, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM). Thế nhưng, trong quá trình xác minh, thu thập thông tin, Hải quan TP phát hiện doanh nghiệp này không hoạt động tại địa chỉ đăng ký.

PV (T/h)