Hội thảo là diễn đàn quan trọng để cập nhật kiến thức, xu hướng và các yêu cầu mới trong chuyển đổi xanh. Đồng thời, đây cũng là nơi kết nối giữa doanh nghiệp, tổ chức tư vấn kỹ thuật - tài chính và các chuyên gia, nhằm tìm ra giải pháp cụ thể cho từng nhóm ngành trong bối cảnh áp lực giảm phát thải và tiêu chuẩn xuất khẩu ngày càng khắt khe.

Chia sẻ tại sự kiện, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tiêu chuẩn xanh và xu hướng phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống và hoạt động kinh doanh.

Bà Vũ Kim Hạnh cho biết, hiện nay, sức khỏe của con người và sức khỏe của hành tinh là hai mối quan tâm lớn, có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Trong các báo cáo xu hướng quốc tế, chủ đề “sức khỏe” và “phát triển xanh” luôn nằm trong nhóm được quan tâm hàng đầu. Đặc biệt, xu hướng chuyển đổi từ đạm động vật sang đạm thực vật hay sản phẩm xanh, sạch, ngày càng được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, dù giá thành có cao hơn.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (Ảnh: Mai Dung)

Cũng theo Vũ Kim Hạnh, trong môi trường kinh doanh nhiều biến động hiện nay, việc doanh nghiệp tuân thủ và đạt được các tiêu chuẩn xanh, an toàn thực phẩm và phát thải thấp đã trở thành yếu tố sống còn. Khi giới thiệu sản phẩm tại hội chợ, nếu không có chứng nhận rõ ràng, doanh nghiệp dễ dàng bị loại khỏi sự lựa chọn của người tiêu dùng và đối tác quốc tế, đặc biệt tại các thị trường như Mỹ và Châu Âu - nơi yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn môi trường.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã tái khởi động chương trình “Chuyển đổi xanh” từ năm 2025, với mục tiêu giúp các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận thức rõ hơn về vai trò của tiêu chuẩn xanh, thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, và kết nối với các tổ chức nghiên cứu, tư vấn, hiệp hội, trường đại học… để cùng phát triển bền vững.

Đáng chú ý, Hội cũng triển khai một chương trình mang tên “Dự án Kích hoạt chuyển đổi xanh”, hỗ trợ toàn diện cho các doanh nghiệp được lựa chọn - từ tư vấn, đào tạo, đến hỗ trợ tài chính, nhằm giúp doanh nghiệp đạt được các chứng nhận tiêu chuẩn xanh. Hiện, đã có 15 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình, với kế hoạch hỗ trợ kéo dài ít nhất 6 tháng.

“Hội thảo lần này không chỉ là điểm khởi đầu cho giai đoạn mới của “Chuyển đổi xanh”, mà còn là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp Việt cùng nhau hướng tới một tương lai xanh, sạch và bền vững hơn”, bà Vũ Kim Hạnh nhấn mạnh.

Hội thảo là diễn đàn quan trọng để cập nhật kiến thức, xu hướng và các yêu cầu mới trong chuyển đổi xanh
Hội thảo là diễn đàn quan trọng để cập nhật kiến thức, xu hướng và các yêu cầu mới trong chuyển đổi xanh (Ảnh: Hiền Thục)

Tại hội thảo, ông Phạm Đăng An phó Tổng Giám đốc Vũ Phong Energy Group cho biết, từ năm 2009, Vũ Phong Solar tiên phong trong lĩnh vực điện mặt trời với các dự án lớn và sau đó là giải pháp Zero Capex Solar cho nhà máy sản xuất. Đến năm 2025, Vũ Phong Energy đã triển khai mô hình Zero Capex – group cung cấp các phương án giảm phát thải song song với việc tối ưu chi phí cho nhà máy sản xuất cho các đối tác.

Theo ông Phạm Đăng An theo tiêu chuẩn chúng ta đang có ba phạm vi phát thải. Phạm vi phát thải 1 (thát thải trực tiếp) từ việc đốt nhiên liệu cho thiết bị cố định, chẳng hạn như máy phát điện. Đốt nhiên liệu cho thiết bị di động, đó là các phương tiện vận chuyển nội bộ. Phương tiên giao thông bộ, như xe đưa đón cán bộ nhân viên, xe tải, container… và rò rỉ khí nhà kính từ các thiết bị như máy điều hòa, thiết bị làm lạnh… Phạm vi phát thải 2 (từ năng lượng mua vào) bao gồm: Tiêu thụ điện năng ít; Tiêu thụ năng lượng khác (hơi, nhiệt, lạnh, khí nén). Phạm vi phát thải 3 (tất cả các phát thải gián tiếp trong chuỗi cung ứng) là dịch vụ vận tải bên thứ ba; Sản phẩm dịch vụ mua ngoài, các phương tiện, thiết bị mua ngoài; Tái chế cho thuê, nhượng quyền thượng hiệu…

“Từ 1/1/2026 “CBAM – Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (Carbon Border Adjustment Mechanism)” của châu Âu chính thức vận hành đầy đủ. Bạn giảm phát thải như thế nào, nếu không giảm phát thải thì vui lòng nộp thuế. Toàn bộ hệ sinh thái của chúng ta từ khi nhập hàng, sản xuất, và phân phối đến người tiêu dùng đều phải tính đến yếu tố phát thải. Đây là điều mà toàn bộ doanh nghiệp phải quan tâm” –  ông Phạm Đăng An nói.

Trong xu hướng này, theo ông An, năm 2030 một cột mốc đầy cảm hứng khi giảm thải Phạm vi 1 và Phạm vi 2 với cam kết giảm 50% lượng khí thải của các nhãn hàng lớn như Unilever, Nestle, H&M, PepsiCo. ASICIS và Nike hai nhãn hàng thời trang lớn cam kết giảm 65% khí thả. Thậm chí một số “ông lớn” như Google, Microsoft, Apple, TetraPak cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 ở cả hai Phạm vi 1 và 2.

Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp đầu tư giảm phát thải lại là một bài toán khó, nhất là trong bối cảnh những khó khăn chung của thị trường hiện nay.

Nhóm chuyên gia và tư vấn viên Hỗ trợ Doanh nghiệp về chuyển đổi xanh
Nhóm chuyên gia và tư vấn viên Hỗ trợ Doanh nghiệp về chuyển đổi xanh (Ảnh: Hiền Thục)

Ông Trần Thanh Tâm – Phó phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ đối ngoại, Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, để giảm phát thải, áp lực tài chính là rất lớn.

Tuy nhiên, đây là yêu cầu mà các doanh nghiệp không thể làm ngơ, khi từ 1/1/2026 báo cáo CBAM chính thức được yêu cầu. “Như vừa rồi có một đơn vị sản xuất đồ gỗ xuất sang châu Âu, bất ngờ bị nhà nhập khẩu châu Âu yêu cầu làm báo cáo CBAM. Nếu không có CBAM thì không xuất khẩu được” – ông Tâm thông tin.

Đồng ý với ý kiến của ông Tâm, ông Võ Minh Quân – Ban dự án Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao – Chuẩn Hội Nhập cho biết, theo thống kê của cuộc khảo sát tiêu dùng xanh của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao năm 2024 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ – chiếm phần lớn trong nền kinh tế – chưa có chiến lược ESG rõ ràng. Nhiều doanh nghiệp vẫn xem ESG và phát triển bền vững là “chi phí” chứ không phải “đầu tư”.

Do đó, các doanh nghiệp đang bị bị động trước các quy định pháp lý mới như CBAM, Luật môi trường… và các yêu cầu từ đối tác xuất khẩu như: nhãn sinh thái, chứng nhận carbon… Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng thiếu nhân sự chuyên trách ESG, khí hậu, hoặc quản lý môi trường. Chưa có hệ thống thu thập – phân tích dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu phát thải, năng lượng, nước, chất thải… Thiếu các chương trình đào tạo nội bộ và cập nhật kiến thức từ các tổ chức chuyên môn.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Nguyễn Tấn Kiến Phước, Giám đốc Công Ty TNHH Dịch vụ Ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp (BSAS) đã công bố chương trình đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp dài hạn, bắt đầu từ năm 2025, chương trình “Kích hoạt chuyển đổi xanh”. Mục tiêu hướng đến đối tượng chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ, đang quan tâm đến Chất lượng và các Tiêu chuẩn Xanh - Bền vững và có nhu cầu hỗ trợ để xuất khẩu.

Ông Phước cho rằng, doanh nghiệp cần hiểu chuyển đổi xanh không chỉ là “làm một vài hoạt động môi trường”, mà là tái cấu trúc toàn bộ cách vận hành. Theo đó, nâng cao kỹ năng thực hành tiêu chuẩn xanh, đo lường phát thải, áp dụng ISO và cuối cùng là xây dựng báo cáo ESG minh bạch.

“Chương trình sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí các giai đoạn này cho doanh nghiệp. Mục tiêu của dự án tìm được 10 doanh nghiệp, với tổng chi phí hỗ trợ 120 triệu đồng/doanh nghiệp, như vậy tổng chi phí hỗ trợ dự kiến trong năm 2025 là hơn 1,2 tỷ đồng”, ông Phước nói.

Hiền Thục – Mai Dung