Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội báo cáo vụ khăn Khaisilk

Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội vừa có Báo cáo số 3009/BC-QLTT gửi Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) về kết quả kiểm tra cửa hàng Khaisilk số 113 Hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Chuyển động 389: Cách phân biệt lụa tơ tằm thật và lụa pha bằng mắt thường - Hình 1

Trong đó, có nội dung: Cửa hàng 113 Hàng Gai, do bà Nguyễn Thị Thu Nga là chủ hộ kinh doanh, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ cá thể số 01c8003643, do UBND quận Hoàn Kiếm cấp.

Tại thời điểm kiểm tra, bà Nga thừa nhận, cửa hàng chuyên kinh doanh các mặt hàng lụa tơ tằm do Việt Nam sản xuất.

Tuy nhiên, do sơ suất trong quản lý, trước nhu cầu hàng hóa tăng đột biến vào dịp 20/10, nhân viên cửa hàng đã tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc “Made in China”, sau đó khâu nhãn KhaiSilk “Made in Vietnam” để bán cho khách hàng.

Tổng số hàng hóa cơ sở đã mua về và thay nhãn là 60 chiếc, đã bán 4 chiếc, còn lại 56 chiếc. Giá niêm yết sản phẩm là 644.000 đồng/chiếc, tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 36 triệu đồng.

Cách phân biệt lụa tơ tằm thật và lụa pha bằng mắt thường 

Câu chuyện lụa tơ tằm Khaisilk thực chất là lụa Trung Quốc đang nhận được sự quan tâm lớn của người tiêu dùng. Vậy cách phân biệt lụa tơ tằm thật và lụa pha?

Chuyển động 389: Cách phân biệt lụa tơ tằm thật và lụa pha bằng mắt thường - Hình 2

Theo các chuyên gia về lụa, lụa tơ tằm 100% rất nhẹ mỏng, mềm mượt. Khi chạm vào có cảm giác mát nhưng không hề lạnh. Sợi tơ cũng rất bóng và bắt sáng, không hề bị dính vào da kể cả khi trời lạnh.

Trong khi đó, sản phẩm lụa pha dễ nhăn và nhàu. Khi mua người tiêu dùng thử vò nát lụa rồi thả tay ra. Nếu lụa về nguyên hình dáng ban đầu thì đúng là lụa tơ tằm Việt Nam.

Lụa tơ tằm thật cũng có màu trắng ngà chứ không có màu trắng tinh và do được dệt bằng thủ công nên trên tấm lụa có một vài lỗi nhỏ, dệt không đều tăm tắp.

Lụa tơ tằm được dệt bằng khung cửi nên có hoa văn đơn giản hoặc chỉ có một màu, các hoa văn đó thường là tùng, cúc, trúc, mai, rồng, phượng, tròn, vuông…

Xử phạt Cty Dược phẩm Quốc tế Á Châu và An Minh Southern vì quảng cáo TPCN gây hiểu lầm

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 50 triệu đồng đối với Công ty TNHH An Minh Southern có địa chỉ tại 105 Trần Thiện Chánh, phường 12 (Quận 10, TP.Hồ Chí Minh) về hành vi nhập nhèm quảng cáo thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe Smarto trên các website http://smarto.vn, website http://anminhsouthern.vngây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh.

Chuyển động 389: Cách phân biệt lụa tơ tằm thật và lụa pha bằng mắt thường - Hình 3

Bên cạnh đó, Cục An toàn thực phẩm cũng ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 852/QĐ-XPVPHC đối với Công ty Cổ phần Dược phẩm Quốc tế Á Châu, địa chỉ: Số 91 Nguyễn Xiển, Phường Hạ Đình, Quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, số tiền bị xử phạt là 50 triệu đồng. Công ty này đã có hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe AC-samin; Sinus plus; HepaB Extra; Beauty Skin; Viên nang US-Jinkgo trên website http://duocquocteachau.com gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Cục An toàn thực phẩm đã buộc các Công ty vi phạm thu hồi lô sản phẩm vi phạm, tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm, cải chính thông tin theo quy định.

Xác nhận thông tin sản xuất chè “bẩn” tại Tuyên Quang, Phú Thọ

Sau quá trình xác minh làm rõ, mới đây BCĐ 389 Quốc gia xác nhận việc nhiều hộ dân tại Tuyên Quang và Phú Thọ đã sản xuất, chế biến chè có pha nhiều loại tạp chất và hóa chất không rõ nguồn gốc nhằm làm cho đẹp chè và tăng trọng lượng là có cơ sở.

Ngày 22/10/2017 Văn phòng  Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã có văn bản số 44/VPTT-TH ngày 22/10/2017 chuyển thông tin trên đến các BCĐ 389 tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên yêu cầu xác minh, kiểm tra và xử lý.

Ngày 23/10/2017, BCĐ 389 hai tỉnh Tuyên Quang và Phú Thọ đã thành lập đoàn công tác liên ngành gồm đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Chi cục Quản lý thị trường, Công an tiến hành kiểm tra, xác minh tại các cơ sở sản xuất chè thuộc huyện Yên Sơn và huyện Đoan Hùng. Tuy không chứng kiến trực tiếp việc các cơ sở có pha tạp chất nhưng tại hiện trường vẫn còn nhiều thùng, xoang, nồi nấu trộn các loại loại tạp chất, có cơ sở đang còn nguyên các thùng tạp chất đã được pha trộn để ngay bên cạnh các nồi sao, sấy chè. Đoàn công tác đã tiến hành lấy mẫu chè để giám định xác định các tạp chất làm căn cứ xử lý.

TP. Hồ Chí Minh: Triệt phá dây chuyền sản xuất rượu giả

Đội Quản lý thị trường số 4A thuộc Chi cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với Công an xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh tiến hành kiểm tra Chi nhánh Công ty TNHH sản xuất thương mại SPT, số F3/15/8 Lại Hùng Cường, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh.

Chuyển động 389: Cách phân biệt lụa tơ tằm thật và lụa pha bằng mắt thường - Hình 4

Tại đây tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa là rượu sử dụng tem rượu trong nước có dấu hiệu giả mạo, gồm: 48 chai Rượu WHISKY XO, 300 chai Rượu WHISKY GOLDEN LABEL, 696 chai Rượu WHISKY, 1.584 chai Rượu  Rhum dứa Cocktail, 612 chai Rượu  Rhum Cocoa, 1.188 chai Rượu Rhum xoài. Tổng cộng 3.788 chai, ước tính tổng trị giá 67.496.000 đồng.

Đội Quản lý thị trường số 4A chỉ chuyển về kho tang vật Chi cục Quản lý thị trường mỗi loại rượu trên là 03 thùng làm mẫu để làm rõ xử lý theo quy định, số rượu còn lại yêu cầu Công ty TNHH sản xuất thương mại SPT không được xuất bán, di dời trước khi có kết quả xử lý. Ngoài ra đơn vị còn tạm giữ 280 cái tem rượu trong nước, ký hiệu TR01T TEM RƯỢU (SXTN >= 200) AA15P không có số seri.

PV (T/H)