Sáng nay, 15/8, tại diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2024, phiên thứ 3 – Tháo điểm nghẽn giải ngân đầu tư công, các đại biểu cho rằng, giải ngân đầu tư công vẫn chưa hết khó. Hiện vẫn còn nhiều điểm nghẽn trong công tác giải ngân đầu tư công như về cơ chế, giải phóng mặt bằng và nguyên vật liệu… Do đó, cần phải có những giải pháp quyết liệt để tháo gỡ.
Tiến sỹ Trần Du Lịch trao đổi: Trong 3 trụ cột tăng trưởng kinh tế là đầu tư công, tiêu dùng và xuất khẩu thì đầu tư công đang là vấn đề rất nóng. Đây là động lực quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhưng hiện nay, tình trạng “có tiền nhưng không tiêu được” khiến cho tỷ lệ giải ngân thấp. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước mới giải ngân được gần 30% và TP. HCM thậm chí mới 15%.
Giải ngân đầu tư công tốt sẽ kích tổng tăng trưởng quốc gia theo cấp số nhân, càng đưa dòng tiền sớm vào thị trường thì tính lan tỏa càng sớm, đem lại hiệu quả càng cao. Trong các vấn đề vướng mắc nổi lên là về cơ chế, giải phóng mặt bằng, khó khăn trong nguyên vật liệu…
Tiến sỹ Trần Du Lịch đặt vấn đề vì sao cùng cơ chế, nhưng tại sao chỗ này làm được, chỗ kia không làm được; bộ, ngành, địa phương này làm được, bộ, ngành, địa phương kia không làm được; chỗ làm nhanh, chỗ không giải ngân được?...
Các chuyên gia cũng chỉ ra, trong công tác giải ngân đầu tư công, hiện nay quy trình thủ tục còn phức tạp, nhiều cấp, nhiều bên tham gia…trong bối cảnh, cán bộ công chức đâu đó vẫn còn tâm lý sợ sai.
Đặc biệt khâu giải phóng mặt bằng, định giá đất hiện đang gặp rất nhiều khó khăn và nhạy cảm; nhiều dự án gặp khó khăn trong khâu nguyên vật liệu, nhất là về cát san lấp…thậm chí nhiều dự án khi đang triển khai còn vướng quy hoạch.
Từ đó, các chuyên gia đề xuất cần phải đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tập trung vào một đầu mối quyết định. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương trong việc xác định giá đất, điều chỉnh quy hoạch. Cần có cơ chế cho phép nhà thầu, chủ đầu tư chủ động phối hợp với địa phương khai thác nguồn vật liệu, sử dụng vật liệu mới. Xây dựng cơ chế đặc thù cho các dự án đầu tư liên vùng, phân bổ nguồn vốn hợp lý. Ngoài ra, cần khuyến khích áp dụng các mô hình đầu tư mới như: BT, BOT với cơ chế quản trị rủi ro và phân chia lợi ích hợp lý.
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: "Mấu chốt, quan trọng là đẩy nhanh tiến độ để đưa các dự án đấy vào triển khai và cuối cùng là sử dụng được. Lúc bấy giờ giá trị đầu tư không phải chỉ là những con số để làm đẹp cho mục tiêu tăng trưởng mà điều quan trọng là tính lan tỏa, tính thu hút các đầu tư tư nhân và tính lan tỏa sang các ngành, các lĩnh vực khác.
Đặc biệt là sự đồng bộ, hoàn thiện các cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội thì đấy mới là cái điều quan trọng của các cái dự án đầu tư công nói chung và dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nói riêng".
PV (t/h)