Các chuyên gia kinh tế nhận định, trong giai đoạn 2023-2024, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia, khu vực trên phạm vi toàn cầu.

Ảnh internet.
Chuyên gia kinh tế: Động lực tăng trưởng, phục hồi của nền kinh tế vẫn chưa đồng đều. Ảnh internet.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, quý I vừa qua, theo Tổng cục Thống kê, nền kinh tế tăng trưởng 5,66%, là mức tăng trưởng trong quý I cao nhất từ năm 2020 đến nay. Nhiều người lạc quan với kết quả này, song không thể chủ quan và cần xác định rõ tăng trưởng này xuất phát từ đâu? Những yếu tố này có tính bền vững hay không, để từ đó có giải pháp tương ứng.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung phân tích: “Đầu tư xã hội gần như rất thấp không tăng, đặc biệt đầu tư tư nhân. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước thực sự ảm đạm, thể hiện tăng trưởng tín dụng thấp, đầu tư doanh nghiệp thấp; doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao chưa từng thấy, doanh nghiệp gia nhập thị trường  thấp chưa từng có… Dù lạm phát trong tầm kiểm soát, nhưng có hàng loạt các yếu tố có thể làm tăng lạm phát, thứ nhất lãi suất không thể giảm được nữa, thứ hai, tỷ giá; thứ ba sẽ điều chỉnh giá năng lượng, giá điện; tăng lương… hàng loạt các yếu tố đó sẽ đẩy chi phí lên và có khả năng làm tăng lạm phát”.

Dù nhiều chỉ tiêu kinh tế thời gian qua đã có xu hướng phục hồi, song vẫn còn nhiều thách thức. Sự phục hồi của khu vực doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, lĩnh vực bất động sản, thị trường tài chính vẫn chưa rõ nét, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc “gỡ rối” cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và nợ xấu ngân hàng là điều kiện tiên quyết để phục hồi vững chắc nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế: Động lực tăng trưởng, phục hồi của nền kinh tế vẫn chưa đồng đều. Ảnh internet.
Chuyên gia kinh tế: Động lực tăng trưởng, phục hồi của nền kinh tế vẫn chưa đồng đều. Ảnh internet.

Tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết: Cần sửa đổi về chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm quy trình và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ… Cùng với đó, tiếp tục các chính sách kích cầu tiêu dùng, đầu tư và hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.

“Cùng với hỗ trợ trước mắt, qua chính sách tiền tệ, tài khóa và một cái rất quan trọng là làm sao doanh nghiệp vừa vượt khó, nhưng cũng phải dần bắt nhịp với xu thế. Đó là câu chuyện xanh, câu chuyện kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, nâng cao dần và tham gia vào chuỗi cung ứng. Từ đó để nâng dần khả năng sáng tạo đổi mới, đấy là vừa là bài toán về chính sách trước mắt, nhưng cũng là bài toán dài hạn”, Tiến sỹ Võ Trí Thành nói.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, để thúc đẩy phục hồi cho doanh nghiệp phát triển thì thể chế có vai trò rất quan trọng, nên cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách để tạo thay đổi. Đề cập khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, theo GS.TS Hoàng Văn Cường, doanh nghiệp không nên quá trông chờ vào nguồn vốn với lãi suất thấp. Đồng thời cho rằng, việc tiếp cận vốn thông qua thị trường trái phiếu rất quan trọng và thị trường này cần được cải cách đổi mới. Theo đó, không nên quá thắt chặt, cũng không nên quá nới lỏng. Điều này sẽ hỗ trợ rất tốt nguồn lực cho doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế: Động lực tăng trưởng, phục hồi của nền kinh tế vẫn chưa đồng đều. Ảnh internet.
Chuyên gia kinh tế: Động lực tăng trưởng, phục hồi của nền kinh tế vẫn chưa đồng đều. Ảnh internet.

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR), ĐHQG Hà Nội cho rằng, thách thức của nền kinh tế đến từ đòi hỏi doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; kích thích những xu thế tiêu dùng bền vững; cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, cải cách thể chế. Đây cũng chính là những yếu tố giúp duy trì các động lực tăng trưởng, bảo đảm đạt chỉ tiêu GDP năm 2024 và những năm tiếp theo.

Tiến sỹ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định: Chính sách của Chính phủ rất nhiều nhưng hiệu quả khi đi vào cuộc sống thì chưa được đánh giá. Theo Tiến sỹ Trần Du Lịch, cần tận dụng tối đa mọi chính sách trong ngắn hạn để kích thích tiêu dùng, bao gồm cả chi tiêu của Chính phủ. 

"Chúng ta rất ám ảnh với lạm phát nhưng theo quan điểm của tôi và nhiều thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Việt Nam kiểm soát lạm phát dưới 5% thì sẽ kích thích kinh tế phát triển. Do đó, năm 2024, cần sử dụng mạnh mẽ hơn các công cụ, đồng bộ các chính sách để thúc đẩy kinh tế phục hồi", Tiến sỹ Trần Du Lịch cho hay.

Ảnh internet.
Chuyên gia kinh tế: Động lực tăng trưởng, phục hồi của nền kinh tế vẫn chưa đồng đều. Ảnh internet.

Liên quan câu chuyện kích cầu, các chuyên gia cho rằng bên cạnh cách làm hiện tại, cần có chính sách khuyến khích tiêu dùng bền vững. Chẳng hạn, trong giai đoạn này, kích thích tiêu dùng nội địa phải gắn với tiêu chí mới về tăng trưởng xanh, giảm thiểu carbon...

Bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam phân tích: WB nhận thấy là sự phục hồi của tăng trưởng tiêu dùng vẫn chưa đạt mức như thời kỳ trước COVID-19. Các hộ gia đình thường thận trọng hơn trong việc chi tiêu. 

Đáng chú ý, WB cũng lưu ý về vấn đề cung cấp điện. Nếu Việt Nam bảo đảm tăng trưởng trong sản xuất và phân phối điện, sẽ giúp nền kinh tế phát triển. Điều thực sự quan trọng đối với Việt Nam là đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng cho tương lai, đó là nền kinh tế xanh, cơ sở hạ tầng, cơ sở hạ tầng cốt lõi, viễn thông, đường sá, điện, triển khai kinh tế số...

Chuyên gia kinh tế: Động lực tăng trưởng, phục hồi của nền kinh tế vẫn chưa đồng đều. Ảnh internet.
Chuyên gia kinh tế: Động lực tăng trưởng, phục hồi của nền kinh tế vẫn chưa đồng đều. Ảnh internet.

Đại diện WB cũng băn khoăn về việc chưa có các "gói" hỗ trợ mới và cho rằng, nên có thêm các chương trình hỗ trợ kinh tế thúc đẩy tăng trưởng như các năm gần đây.

Tăng trưởng quý I với con số ấn tượng, tuy nhiên, nguồn lực của doanh nghiệp còn hạn hẹp trong nhiều năm qua. Do đó, chúng ta cần phải có các biện pháp hỗ trợ, với những chính sách hiện có, thị trường vốn đã có cơ hội tiếp cận với giá hợp lý, nhưng thị trường vốn từ trái phiếu doanh nghiệp cũng cần được khơi thông hơn nữa. Bên cạnh đó, cũng phải có cơ chế đảm bảo tính an toàn cho nhà đầu tư cá nhân không có kinh nghiệm nhưng có khả năng chuyển đổi linh hoạt với nhà đầu tư chuyên nghiệp khi tiếp cận thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Các chuyên gia kinh tế cũng lưu ý, phải tiếp tục quyết liệt trong hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, đặc biệt là hỗ trợ cho các lĩnh vực, khu vực sản xuất kinh doanh. Trong đó, cần quan tâm đến khu vực sản xuất trong nước; Cải cách môi trường kinh doanh cần tiếp tục thực thi một cách hiệu quả, thực chất hơn. Cần tạo dựng được những nền tảng cơ bản tốt hơn, chất lượng hơn cả về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, để bứt phá phát triển trong giai đoạn tới.

PV (t/h)