Thời gian qua, nhiều người tiêu dùng đã "ngậm đắng nuốt cay" khi mua bán, giao dịch hàng hóa qua thị trường thương mại điện tử. Người tiêu dùng thông thái sẽ đặt hàng và khi kiểm tra hàng xong, đúng mẫu mã, đúng như đặt mới thanh toán tiền, còn không thì không nhận. Nhiều người tiêu dùng ham rẻ, đã đặt và trả tiền trước, khi nhận hàng thì tá hỏa là nhầm mẫu mã, chất lượng, số lượng...
Người tiêu dùng có điều kiện kinh tế hoặc thấy rằng, món hàng đó không đáng giá, bỏ đi và không khiếu nại nhưng với người tiêu dùng điều kiện kinh tế tạm ổn, thu nhập trung bình thì việc hàng hóa mua ở thị trường mạng, không đáp ứng các yêu cầu như họ quảng cáo đã rất ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, họ đã thực hiện quyền của người tiêu dùng là khiếu nại... Nhưng quả thật, chuyện đó mất thời gian, công sức và đôi khi còn không đủ các chứng cứ để giải quyết, khiến người tiêu dùng nản và nhiều người đã từ bỏ quyền của mình dẫn tới thị trường hàng hóa ngày càng khó đạt chuẩn.
Những rủi ro mà người tiêu dùng có thể gặp phải có thể kể đến như mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm nguồn gốc xuất xứ, hàng không đúng với nội dung đã được quảng cáo… Khi bị phát hiện hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, nhiều trường hợp người bán né tránh trách nhiệm bằng cách khóa hoặc gỡ bỏ tài khoản bán hàng trên mạng internet, kéo dài thời gian giải quyết hoặc không giải quyết các khiếu nại để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng…
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này được xác định là do luật pháp hiện hành chưa quy định đầy đủ về vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử, dẫn tới phát sinh nhiều hạn chế, bất cập. Do vậy, tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi. Trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin, để kịp thời điều chỉnh và tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có yếu tố mới, đặc thù, dự thảo Luật đã bổ sung một chương quy định về các giao dịch đặc thù, trong đó, hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng.
Bà Huỳnh Thị Phúc, Đại biểu Quốc hội đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định, từ thực tiễn và xu hướng phát triển của việc mua bán hàng qua các hình thức thương mại điện tử như hiện nay cho thấy những quy định về bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng hiện hành chưa được cụ thể. Nhằm khắc phục khoảng trống trong pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mua hàng qua mạng trong điều kiện công nghệ số phát triển nhanh, tôi đồng thuận cao với việc bổ sung về các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có thể nảy sinh trong điều kiện chuyển đổi số, bổ sung một chương mới quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù.
Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng và kịp thời điều chỉnh các loại hình kinh doanh giao dịch mới với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, Đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, điều chỉnh, thống nhất các quy định về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên không gian mạng với các luật như: Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Cạnh tranh, Luật An toàn thông tin, Luật Thuế và các luật có liên quan.
Bên cạnh đó, từ thực trạng nhiều quảng cáo sử dụng hình ảnh của những người nổi tiếng, có ảnh hưởng với xã hội để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ sai sự thật, chất lượng không đúng như quảng cáo được chạy trên các nền tảng số, phương tiện truyền thông đã làm ảnh hưởng quyền lợi của người tiêu dùng, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung các hành vi bị cấm: “Dùng kỹ xảo hình ảnh, hay các thủ đoạn khác và chỉnh sửa theo hướng lừa dối hoặc dùng kỹ xảo hình ảnh hay các thủ đoạn khác nhằm gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua việc cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ và không chính xác”.
Cho rằng quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng chưa đủ các chế tài và chưa đủ sức răn đe, Đại biểu đề nghị cần có một điều khoản riêng quy định về trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc phối hợp giám sát, gỡ bỏ thông tin trên các nền tảng số, nhằm bảo vệ người tiêu dùng từ sớm và từ xa.
Chuyên gia pháp luật tiêu dùng Đặng Thị Bảo Trinh chỉ ra rằng, hiện nay, trên không gian mạng, các loại quảng cáo trên các nền tảng trình duyệt, ứng dụng giải trí dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng mà chưa có sự kiểm soát chặt chẽ. Vì thế, chế tài cho việc này cần rõ ràng, cụ thể, vì các nền tảng và các thông tin khi xóa, gỡ, thay đổi nội dung vẫn được lưu trên nền tảng đó. Vấn đề là cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền có truy tận gốc nội dung hay không mà thôi.
Ông Nguyễn Thanh Hưng nhấn mạnh, trở ngại lớn đối với thị trường thương mại điện tử của Việt Nam là vấn đề lòng tin của khách hàng vào các sản phẩm được bán online.
Thạch Thảo (t/h)