Hiện tại, chu kỳ điều hành giá xăng dầu là 10 ngày/lần. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đang dự kiến đề xuất Chính phủ để rút ngắn kỳ điều hành giá xăng xuống 5 ngày/lần, thậm chí theo ngày. Lý do của đề xuất là để đảm bảo quyền của doanh nghiệp kinh doanh, tiêu dùng, phù hợp với xu thế của thế giới.
Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương phân tích: Nên điều hành một cách uyển chuyển và linh hoạt để đảm bảo lợi ích cho các bên. Trước mắt, có thể giảm chu kỳ điều hành xuống 5 ngày. Việc điều hành giá theo cơ chế thị trường là điều không dễ vì giá sẽ thay đổi liên tục theo thế giới và thị trường mà thiếu đi sự điều hành, can thiệp của Nhà nước.
"Mặt tốt là việc này giúp giải quyết các vấn đề đang hiện hữu trên thị trường xăng dầu như hiện nay; các bộ, ngành cũng không phải xử lý các tình huống đặc biệt. Nhưng ngược lại, khi giá xăng tăng cao, sẽ ảnh hưởng đến lạm phát, CPI và cả nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp sẽ chịu áp lực giá", ông Lê Quốc Phương nói.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính nêu ý kiến: Quan điểm là càng rút ngắn càng tốt, nhưng liệu năng lực của cơ quan quản lý có làm nổi không. Đứng trên quan điểm người dân, doanh nghiệp thì rút ngắn sẽ có lợi, nhưng với Nhà nước, trong điều hành vĩ mô, thì cần cân nhắc. Đây là tham vọng nhưng sẽ khó để thực hiện điều chỉnh hàng ngày. Bởi xăng dầu là huyết mạch của nền kinh tế, việc thay đổi liên tục sẽ khiến khó kiểm soát được lạm phát. Ngoài ra còn nhiều vấn đề từ nhập khẩu, phân phối… cần có cơ chế vận hành từ các bộ, ngành, doanh nghiệp…
Theo chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam thì, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu theo các quy định của Nhà nước nhưng trong bối cảnh hiện nay, các quy định đã bộc lộ nhiều bất cập cần xem xét và sửa đổi để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, người dân.
Một trong số đó là giảm chu kỳ điều chỉnh giá xăng từ 10 ngày xuống còn 3-5 ngày và tiến tới điều chỉnh theo biến động hàng ngày của giá thế giới. Chỉ có như vậy mới giải quyết việc nhiều đơn vị găm hàng, chờ giá tăng, ảnh hưởng đến việc cung ứng trên thị trường.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, để chuyển sang cơ chế thị trường cho kinh doanh xăng dầu, cần có nghiên cứu khoa học rõ ràng. Có thể áp dụng thử nghiệm năm 2023-2024 tới cho cấp quản lý và doanh nghiệp, người dân để làm quen. Nhà nước có thể can thiệp bằng các chính sách thuế, phí đánh lên xăng dầu hoặc dùng ngân sách bù lỗ cho doanh nghiệp trong các trường hợp đặc biệt, khủng hoảng ngắn hạn… Bên cạnh đó, cần nhanh chóng tính toán và xây dựng kho dự trữ quốc gia về xăng dầu, có thể tăng lên 3 - 6 tháng…
Trước đó, Báo Thanh niên có một bài phân tích kỹ, nội dung: "Giao Bộ Công Thương quản lý toàn bộ về xăng dầu có khả thi?" VTC new cũng đăng tải bài viết: "Giao quyền điều hành xăng dầu về Bộ Công Thương: Đại biểu Quốc hội nói gì?"... phân tích rất rõ, Bộ Tài chính không thể đứng ngoài cuộc trong hoạt động điều hành, quản lý xăng dầu, bởi nó liên quan đến giá.
Vậy, đề xuất rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu, liên quan, ảnh hưởng đến lạm phát như thế nào? Bộ Công Thương cần phải làm rõ trong đề xuất.
Công Huy (t/h)