Kết thúc tháng Tám, giá vàng thế giới đã tăng tăng 104,15 USD/oune so với cùng kỳ tháng 7/2024, (ngày 1/8, giá vàng giao ngay ở mức 2.421 USD/ounce). Còn nếu tính từ đầu năm, giá vàng thế giới đã tăng 20%. Giá vàng còn tiếp tục tăng hay không?
Một số yếu tố góp phần đẩy giá vàng tăng vọt gần đây bao gồm sự gia tăng rủi ro về địa chính trị và sự bất ổn kinh tế vĩ mô đang diễn ra thúc đẩy nhu cầu tìm đến vàng như tài sản lưu trữ an toàn.
Ngoài ra, nhu cầu mua vàng liên tục và ồ ạt từ các ngân hàng Trung ương (đặc biệt là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mua ròng 18 tháng liên tiếp) bổ sung vào kho dự trữ; sự đầu tư mạnh mẽ của thị trường OTC và lượng vàng mua ròng trên thị trường phái sinh đều góp phần đẩy giá vàng tăng cao.
Sau khi đạt mức kỷ lục 2.531 USD/ounce cách đây 10 ngày, giá vàng quốc tế đứng quanh mức 2.500 USD/ounce, tăng giảm trong phạm vi 25 USD. Nhưng theo giới phân tích, rất có thể đây chưa phải là mức đỉnh trong trung hạn.
Ba yếu tố chính ảnh hưởng đến giá vàng trong nửa cuối năm 2024 được nêu là lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), và việc cắt giảm lãi suất ở các nền kinh tế phát triển (trong tháng 6/2024, nhiều ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới như: Thụy Sỹ, EU, Canada, Brazil… đã bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành); rủi ro địa chính trị; và hoạt động mua vào của ngân hàng Trung ương.
Chỉ số US Dollar Index đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 7/2023, kiểm tra mức hỗ trợ tại 100,5. Trong hai tháng gần đây, thước đo đồng bạc xanh này đã giảm khoảng 5% khi thị trường bắt đầu kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng Chín.
Lãi suất và giá vàng thường có mối quan hệ nghịch đảo, tức là khi lãi suất giảm, giá vàng thường tăng và ngược lại. Khi lãi suất giảm, chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thay vì các tài sản đầu tư khác như trái phiếu cũng giảm, khiến nhà đầu tư tăng mua vàng như là một công cụ bảo vệ tài sản.
Capital Economics cho biết, mức tăng giá của vàng khó có thể dừng lại vì bối cảnh căng thẳng toàn cầu gia tăng, bất ổn kinh tế và những nỗ lực liên tục nhằm thoát khỏi đồng đô la Mỹ, ngân hàng trung ương tích cực mua vàng, nhu cầu vàng vật chất mạnh mẽ tại Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo dự báo của J.P Morgan, giá vàng thế giới có thể tăng lên mức khoảng 2.600 USD/ounce tương đương mức tăng thêm gần 10% so với giá hiện tại.
Cùng nhận định, các chuyên gia UOB, giá vàng sẽ tăng mạnh hơn nữa do bất ổn địa chính trị, nhu cầu từ các ngân hàng trung ương và kỳ vọng cắt giảm lãi suất. Vàng dự báo đạt 2.700 USD vào giữa năm 2025 và có thể sẽ tăng thêm trong dài hạn lên mức 3.000 USD ounce…
Ông Heng Koon How, Trưởng bộ phận Chiến lược Thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, tập đoàn UOB: Thế giới có khá nhiều bất ổn chính trị, địa chính trị, xung đột thương mại toàn cầu cùng diễn ra trong giai đoạn hiện tại và khó có thể kết thúc ngay trong năm 2024 hay cả năm 2025. Điều này có thể làm cho các nhà đầu tư ngày càng có tâm lý phòng thủ nhiều hơn, tăng nhu cầu vàng và đẩy giá lên cao hơn trong thời gian tới.
Chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại WGC, bà Louise Street khẳng định, năm 2024 sẽ mang đến lợi nhuận từ đầu tư vàng cao hơn so với kỳ vọng của giới đầu tư ở thời điểm đầu năm.
Bà khẳng định, nếu giá vàng đi ngang trong những tháng tới, một số người mua trước đây còn ngại ngần sẽ gia nhập thị trường, thị trường sẽ vẫn coi vàng như công cụ đầu tư an toàn trong bối cảnh triển vọng điều chỉnh lãi suất và các cuộc bầu cử thế giới chưa rõ ràng.
X.Hải (t/h)