Đại diện các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đánh giá cao môi trường đầu tư Việt Nam, cam kết sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong giai đoạn tới.
Ông John Rockhold, Chủ tịch toàn quốc Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết: Trước những khó khăn trên toàn cầu, những tháng đầu năm 2022 Việt Nam vẫn đạt được kết quả phát triển kinh tế ấn tượng, giúp duy trì các cán cân về đầu tư và các chỉ số. Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam rất lạc quan về triển vọng tiếp tục tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022.
Ông Kim Young Chul, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) nhận định: Việt Nam là một thị trường mới nổi trên trường quốc tế và đang được thế giới quan tâm, chú ý. Gần đây Moody's nâng xếp hạng tín dụng quốc gia của Việt Nam; các tạp chí kinh tế hàng đầu thế giới cũng đưa ra các nhận định và triển vọng tích cực về kinh tế Việt Nam.
Việt Nam được dự đoán sẽ dễ dàng đạt tăng trưởng kinh tế 7% năm nay. Trong bối cảnh toàn thế giới đang đối mặt với nhiều bất ổn như lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng…, Việt Nam vẫn được đánh giá cao do duy trì được vật giá, tỷ giá ngoại tệ ổn định.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Tim Evans, CEO HSBC tại Việt Nam cho rằng: Cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu vẫn đang tiếp tục với dữ liệu toàn cầu tháng Tám cho thấy, giá hàng hóa chủ chốt bao gồm năng lượng tăng mạnh.
Được dẫn đầu bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ và điều này được cho là sẽ dẫn đến suy thoái từng phần và không đồng đều ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Dự kiến GDP của Anh, các nước vùng dùng đồng tiền Euro và kể cả Hoa Kỳ sẽ giảm. Xuất khẩu từ Châu Á sang các quốc gia phương Tây đang chậm lại… Tính không ổn định đang tác động đến chi tiêu đầu tư. Tuy nhiên, đây là cơ hội cho Việt Nam.
Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài mà Việt Nam nhận được là một minh chứng cho thấy, thương hiệu của Việt Nam rất uy tín. Việt Nam đã có thương hiệu trong giai đoạn Covid-19 khi được đánh giá là đất nước chống dịch tốt. Hiện Việt Nam được xếp hạng thứ 2 về tiềm năng phục hồi hậu đại dịch. Đây là thương hiệu Việt Nam, là điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài rất lớn.
Theo ông Nakajima Takeo - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội: Sau hơn hai năm xảy ra đại dịch, nền kinh tế toàn cầu vẫn đang gặp phải nhiều thách thức về địa chính trị rất lớn. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản trên thế giới chỉ tăng trưởng 3% vào năm 2021 và đã giảm xuống còn có 49% trong nửa đầu năm 2022.
Tuy nhiên, trong các đối tác hàng đầu về đầu tư của Nhật Bản, Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng, với mức tăng hơn 59% vào năm 2021 và tăng hơn 45% năm 2022. Kết quả khảo sát của JETRO năm ngoái cho thấy 55% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng hoạt động. Đây là con số cao nhất trong các nước ASEAN.
Một cuộc khảo sát khác của JETRO được thực hiện với hơn 1.700 công ty mẹ của các công ty Nhật Bản cũng thể hiện, Việt Nam xếp thứ hai trong hạng mục câu trả lời "là nơi mà các quốc gia muốn mở rộng đầu tư" bên cạnh Hoa Kỳ.
Ông Rafael Frankel, Giám đốc Meta khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Đồng thời cho biết, Meta rất vui được hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và Chính phủ qua một số sáng kiến quan trọng, bao gồm chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 với Bộ Y tế đã tiếp cận 40 triệu người; đào tạo kỹ năng số cho 580.000 học sinh, gần 25.000 giáo viên và 64.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Quỳnh Vân (t/h)