Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Công Pha - Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Long An, cho biết : “Năm 2017, VKSND tỉnh Long An được VKSND tối cao cho phép tuyển dụng thêm 25 biên chế còn thiếu. VKSND tỉnh thông báo công khai việc tuyển dụng này. Có 75 người đến mua hồ sơ và đăng ký dự tuyển. Trong số này, có 71 hồ sơ xin thi tuyển (cử nhân luật hệ chính quy) và 4 hồ sơ xin xét tuyển (cử nhân luật hệ không chính quy), những người này đang là lao động hợp đồng tại đơn vị theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP (gọi tắt hợp đồng 68).
Theo ông Pha, sau khi nhận 75 hồ sơ, VKSND tỉnh Long An gửi công văn đề nghị VKSND tối cao xem xét phê duyệt danh sách 75 ứng viên thi tuyển công chức. Sau khi xét duyệt hồ sơ, VKSND tối cao đồng ý cho tổ chức thi tuyển tại Trường Đào tạo, Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TPHCM (đối với 71 hồ sơ của các cử nhân luật hệ chính quy) và tổ chức xét tuyển tại VKSND tỉnh Long An (4 hồ sơ của các cử nhân luật hệ không chính quy).
Bảng điểm Thi tuyển công chức của Hội đồng thi VKSND tỉnh Long An
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong 71 hồ sơ của các cử nhân luật hệ chính quy bắt buộc phải thi tuyển theo quy định, có 16 ứng viên bỏ thi, số còn lại bị rớt. Trong khi đó, 4 ứng viên đang làm tạp vụ, bảo vệ, không có bằng đại học chính quy, cũng không thuộc diện được xét tuyển lại được “đặc cách” xét tuyển “đậu tất” (gồm: Huỳnh Tuấn Cảnh, Nguyễn Thị Hà Lam, Lý Kiều Phương và Nguyễn Thành Hiếu Trung) và “hiện đang chờ VKSND tối cao phê chuẩn” ?!.
Theo quy định trong việc tuyển dụng công chức của ngành KSND, yêu cầu người được tuyển dụng phải có trình độ đại học chính quy (theo Quyết định số 494/QĐ-VKSTC ngày 25/8/2016 về việc ban hành quy chế tuyển dụng công chức VKSND). Hình thức tuyển dụng là thi tuyển và xét tuyển. Trong đó, điều kiện được xét tuyển: Các đối đượng được xét tuyển phải là Anh hùng LLVT, Anh hùng lao động; thương binh; con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh; người có học vị tiến sĩ đúng chuyên ngành đào tạo và phù hợp với nhu cầu tuyển dụng theo Quy định số 229/2010 ngày 10/6/2010 của Viện trưởng VKSND tối cao. Còn theo Quyết định 494, thì điều kiện để được xét tuyển là các đối tượng được xét tuyển phải ở các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo…
Như vậy, theo quy định thì VKSND tỉnh Long An xét tuyển một số người vào biên chế của ngành không đúng theo quy định? Tuy nhiên, ông viện phó Nguyễn Công Pha lại lý giải: “Chủ trương của viện là tạo điều kiện giúp đỡ các em này vào biên chế, vì các em này đã vào ngành VKS rồi”?
Thế nhưng, khi phóng viên hỏi về trường hợp 2 nhân viên khác cũng “diện” hợp đồng 68 là là Phạm Thị Sương (nhân viên tạp vụ cho VKSND tỉnh) và Võ Văn Minh Thắng (nhân viên bảo vệ cho VKSND thành phố Tân An), lại không được “tạo điều kiện” đưa vào danh sách xét tuyển như 4 ứng viên trên thì vị Viện phó này chỉ ....lặng im!
Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần vào cuộc xem xét việc xét tuyển công chức tại VKSND tỉnh Long An như vậy có đúng theo Quyết định số 494/QĐ-VKSTC về việc ban hành quy chế tuyển dụng công chức VKSND hay không? Và nếu việc xét tuyển đó là đúng thì cần thông báo rộng rãi để tránh luồng dư luận không tốt tại địa phương.
Bốn “ứng viên sáng giá” - họ là ai?
Nguyễn Thị Hà Lam vào làm việc tại VKSND tỉnh với hợp đồng ngắn hạn theo Nghị định 68, nhưng được cho làm nhân viên văn thư và mới được chuyển qua làm công tác tổng hợp. Tìm hiểu thì được biết, Hà Lam là “người nhà” của bà Nguyễn Thị Thủy Khiêm - nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao (mới về hưu). Lý Kiều Phương vào làm ở VKSND thành phố Tân An, được cho làm hồ sơ dân sự. Kiều Phương là cháu nội của ông Lý Văn Bé - nguyên là Viện trưởng VKSND tỉnh Long An. Huỳnh Tuấn Cảnh vào làm nhân viên bảo vệ cho VKSND huyện Châu Thành, là con của ông Huỳnh Văn Hồng - Phó Viện trưởng VKSND tỉnh. Nguyễn Thành Hiếu Trung vào làm nhân viên bảo vệ cho VKSND thị xã Kiến Tường, cũng được “đặc cách” vào biên chế ngành vì là con của ông Nguyễn Thành Chiến - Phó Viện trưởng VKSND thành phố Tân An, cháu của bà Trần Thị Nhanh - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Long An.
CD-HD