Chuyển tiền qua POS trái phép: Siết chặt quản lý - Hình 1

Chuyển tiền kinh doanh qua POS trái phép về Trung Quốc - một hình thức trốn thuế

Thực trạng tour du lịch giá rẻ

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tại một số địa bàn trọng điểm như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang… bùng phát hiện tượng các tour du lịch giá rẻ (còn gọi “tour du lịch 0 đồng”) với nguồn khách chủ yếu là Trung Quốc. Về bản chất, các tour du lịch này không phải là khách hàng được đi du lịch miễn phí, mà đây là hình thức thu hút khách của các công ty lữ hành Trung Quốc.

Ban đầu, các công ty này đưa ra mức giá cho khách đi du lịch tại Việt Nam với chi phí rất thấp, thậm chí không thu tiền khách hàng. Sau đó, khi khách tham gia tour du lịch tại Việt Nan, các công ty này sẽ khai thác lợi nhuận từ khách hàng bằng cách đưa khách hàng vào sử dụng một chuỗi dịch vụ khép kín, bao gồm ăn uống, lưu trú, tham quan, mua sắm tại các địa điểm do chính các công ty này lập nên hoặc chỉ định. Tại đây, khách hàng sẽ được đưa đến các trung tâm mua sắm, các cửa hàng được giới thiệu là chuyên bán các loại đặc sản, các loại hàng Việt Nam chất lượng cao như đệm cao su, hàng dược liệu thiên nhiên, hàng trang sức…

Hoạt động mua sắm này có một số vấn đề, như: Các trung tâm, cửa hàng mua sắm thường do chủ người Trung Quốc điều hành, bán hàng nhưng lại thuê người Việt Nam đứng tên, đăng ký kinh doanh; các cửa hàng, trung tâm mua sắm chuyên phục vụ khách du lịch Trung Quốc thường chỉ hoạt động khi có xe tour đưa khách tới tham quan mua sắm, không bán hàng rộng rãi và thường xuyên gây khó khăn trong quá trình quản lý, theo dõi…

Khách hàng thanh toán bằng các hình thức tiền mặt (nhân dân tệ) hoặc thanh toán qua thẻ bất hợp pháp (sử dụng thẻ do ngân hàng Trung Quốc phát hành quẹt qua máy POS, do ngân hàng Trung Quốc phát hành mà không đăng ký với ngân hàng Việt Nam), hoặc thanh toán bằng cách sử dụng các ví điện tử (Alipay, Wechat pay) do các đối tượng Trung Quốc cung cấp…

Đây là thủ đoạn mới, tinh vi nhằm đối phó với các cơ quan chức năng Việt Nam. Với phương thức thanh toán này, các cơ quan quản lý của Việt Nam khó kiểm soát được dòng tiền, doanh thu bán hàng của các điểm bán hàng.

Chuyển tiền qua POS trái phép: Siết chặt quản lý - Hình 2

Báo động việc thanh toán qua các ví điện tử bất hợp pháp (Alipay, Wechat pay)

Nhiều bất cập trong quản lý

Bộ Tài chính cho biết, sau khi triển khai các biện pháp quản lý, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, thì hiện tượng “tour du lịch 0 đồng” đã giảm mạnh trong năm 2016, 2017. Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh (do người Trung Quốc lập ra, điều hành) đã tìm ra các thủ đoạn, hành vi mới (thanh toán qua POS trái phép, thanh toán qua các ví điện tử bất hợp pháp)… khiến công tác quản lý hoạt động kinh doanh du lịch còn nhiều vướng mắc, chưa có biện pháp giám sát, phát hiện kịp thời để ngăn chặn và xử lý.

Tình trạng hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn, gắn mác thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao được bày bán tại các trung tâm mua sắm, cửa hàng bán sản phẩm cho khách du lịch. Việc niêm yết giá cả, đơn vị định lượng còn chưa rõ ràng gây khó khăn cho khách du lịch, tạo điều kiện để các đối tượng xấu trục lợi, lừa đảo khách du lịch.

Bên cạnh đó, các công ty kinh doanh du lịch lữ hành bị quản lý tại các địa bàn trọng điểm (Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa…) chuyển sang thành lập công ty mới tại các tỉnh khác để ký hợp đồng lữ hành rồi khai thác ở các địa bàn Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa… Trong khi các công ty lữ hành trong nước (chuyên mua lại tour đón khách Trung Quốc) còn hạn chế về năng lực tài chính, cơ sở vật chất lẫn nguồn nhân lực. Các công ty này vẫn chịu nhiều sức ép, chịu chi phối bởi các công ty lữ hành nước ngoài.

Một bất cập khác đó là nguồn nhân lực làm hướng dẫn viên du lịch còn hạn chế, cả về chất lượng và số lượng. Do lượng du khách thuộc các nước sử dụng Hoa ngữ tăng lên nhanh chóng dẫn đến việc các công ty lữ hành phải sử dụng những hướng dẫn viên không có đủ trình độ, đạo đức nghề nghiệp kém, sẵn sàng trục lợi. Tình trạng các hướng dẫn viên là người Trung Quốc lao động chui tại Việt Nam, các đối tượng này rất dễ móc nối với các chủ cơ sở kinh doanh cung cấp dịch vụ, sản phẩm hàng hóa cho khách du lịch để trục lợi.

Đối với cơ quan thuế, chưa có đầy đủ kịp thời thông tin về các công ty lữ hành, các cơ sở kinh doanh cung cấp dịch vụ cho khách du lịch (số lượng hợp đồng du lịch, số lượng khách lưu trú…) là cơ sở dữ liệu quản lý thuế dẫn đến gặp nhiều khó khăn để xác định được đầy đủ doanh thu của cơ sở kinh doanh khi các chủ cơ sở kinh doanh cung cấp, chấp nhận các phương thức thanh toán bất hợp pháp và cố tình không khai báo.

Cần ngăn chặn kịp thời

Từ những bất cập trên, Bộ Tài chính chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố (có hoạt động tour du lịch giá rẻ phổ biến) tiến hành rà soát các công ty kinh doanh lữ hành, trung tâm mua sắm, cửa hành chuyên bán sản phẩm cho du khách nước ngoài. Kiểm tra hồ sơ khai thuế để đưa vào danh sách thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đối với các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu khai báo thấp doanh thu so với quy mô, dữ liệu thu thập từ thực tế để từ đó kịp thời phát hiện gian lận về thuế, xử lý đúng quy định đảm bảo tính răn đe và nghiêm minh của pháp luật.

Cục thuế các tỉnh, thành phố tăng cường thực hiện kế hoạch kiểm tra chống thất thu đối với hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch. Cục thuế các tỉnh, thành phố phối hợp với sở du lịch, hiệp hội du lịch các địa phương để tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật thuế tới các công ty lữ hành, các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Công bố số điện thoại đường dây nóng, hòm thư điện tử để tiếp nhận các thông tin tố giác vi phạm pháp luật về thuế từ công dân và du khách nước ngoài…

Đối với Ngân hàng Nhà nước, có các giải pháp để quản lý hoạt động thanh toán hiệu quả, từ đó thu được phí dịch vụ thanh toán trong lĩnh vực ngân hàng và có cơ sở để quản lý doanh thu, góp phần quản lý thuế hiệu quả. Với hoạt động thanh toán hàng hóa và dịch vụ qua ví điện tử như Alipay, Wechat pay, Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra chính sách để các ngân hàng thương mại Việt Nam cung cấp chính thức thay vì các đối tượng bán hàng cung cấp bất hợp pháp như hiện nay.

Bộ Công thương chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường và các đơn vị trực thuộc ở các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các trung tâm mua sắm, các cửa hàng bán hàng cho khách du lịch về việc thực hiện các quy định trong niên yết nguồn gốc xuất xứ, giá cả, đơn vị định lượng của hàng hóa…

Bộ Tài chính kiến nghị Bộ VH-TT&DL, chỉ đạo các sở du lịch tiến hành thanh kiểm tra thường xuyên, đột xuất các DN lữ hành, các hướng dẫn viên cung cấp hoạt động lữ hành cho khách nước ngoài để sớm phát hiện các sai phạm; làm đầu mối xây dựng quy chế phối hợp thông tin giữa các bộ, ngành để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh du lịch, nhất là du lịch giá rẻ.

Bùi Quyền