Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, báo cáo về mức độ hài lòng của doanh nghiệp đã tổng hợp và phản ánh ý kiến của gần 3.100 doanh nghiệp về 12 thủ tục hành chính (TTHC) – dịch vụ công có tần suất thực hiện nhiều nhất trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (MCQG).

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết: Để công bằng, cần thực hiện khảo sát toàn bộ 198 thủ tục nhưng ban đầu mới chỉ triển khai trên 12 thủ tục. Đối tượng đánh giá là các doanh nghiệp nhưng chỉ là những doanh nghiệp đã trải nghiệm thực hiện các thủ tục hành chính trong 1 năm qua.

Kết quả khảo sát doanh nghiệp cho thấy đa số các chức năng cơ bản trên Cổng MCQG hiện hoạt động tốt. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá dễ/tương đối dễ thực hiện đối với các tính năng cơ bản như “tạo tài khoản và đăng nhập”, “xem và in hồ sơ” lần lượt là 95% và 93%.

Hội thảo công bố “Đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp và thời gian thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia”.Hội thảo công bố “Đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp và thời gian thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia”.

Dù vậy, vẫn có một tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp gặp khó khăn khi sử dụng cổng thông tin, chẳng hạn như 27% doanh nghiệp chưa hài lòng với tình trạng hoạt động thiếu ổn định của Cổng do còn gặp những lỗi kết nối và khoảng 20% doanh nghiệp phản ánh tốc độ xử lý các tác vụ trên cổng còn chậm.

Ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ thêm, các thủ tục thuộc Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dễ thực hiện hơn so với các thủ tục thuộc 3 Bộ còn lại (Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Khoa học và Công nghệ).

Thủ tục “cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi C/O” và “Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa” là 2 thủ tục dễ tiến hành nhất với chỉ khoảng 15% doanh nghiệp cho biết có gặp khó khăn.

Có 26% doanh nghiệp gặp trở ngại với thủ tục “kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu”. Các thủ tục “cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế” và “cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu” của Bộ Y tế có tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong thực hiện lần lượt ở mức 34% và 29%.

Theo đại diện VCCI, nguyên nhân chính của những khó khăn bao gồm: Hệ thống xử lý thủ tục của Bộ quản lý chuyên ngành chưa “điện tử” hoàn toàn; vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp bị yêu cầu sửa đổi hồ sơ nhiều, thời gian các Bộ ngành xử lý hồ sơ của một số doanh nghiệp tương đối lâu.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, về cơ bản, việc triển khai Cơ chế MCQG đã mang lại những thay đổi tích cực về thời gian và chi phí thực hiện TTHC cho doanh nghiệp, tuy nhiên sự thay đổi này không đồng đều giữa các thủ tục và các Bộ ngành. Có 10 trong số 12 thủ tục hành chính ghi nhận thời gian doanh nghiệp phải dành ra cho thực hiện thủ tục đã giảm đi. Số ngày tiết kiệm được so với phương thức truyền thống khoảng từ 1-3 ngày và số ngày giải quyết thủ tục nhìn chung đều nằm trong khoảng thời hạn theo quy định của các văn bản pháp luật. Có 8 thủ tục hành chính ghi nhận chi phí giảm đi đáng kể so với trước phương thức cũ.

“Tuy nhiên, có tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp không nhận thấy thay đổi tích cực trong việc thực hiện thủ tục của Bộ Y tế trên Cổng MCQG so với phương thức cũ. Đáng lưu ý trong hầu hết các thủ tục, khâu “tiếp nhận và giải quyết hồ sơ” thuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành vẫn là khâu gây tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp nhiều hơn cả”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

Ở góc độ bộ ngành, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương là một trong 3 bộ đầu tiên tham gia MCQG tuy nhiên đến nay mới kết nối được 11 thủ tục và còn 6 thủ tục chưa kết nối được.

“Sự tham gia của các bộ ngành là một phần nhưng quan trọng nhất vẫn là đơn vị vận hành cơ chế MCQG, đó là cái trục còn các bộ ngành là nan hoa kết nối vào. Chúng tôi đã hoàn toàn sẵn sàng, các thủ tục cơ bản đã đưa lên cổng dịch vụ công của Bộ tuy nhiên thực hiện trên MCQG vẫn chưa được như mong muốn”, ông Hải cho biết.

 “Mục tiêu của MCQG là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và chính các bộ ngành. Tuy nhiên sự chia sẻ thông tin giữa các bộ ngành qua cơ chế này đến nay vẫn chưa thực hiện được, trước hết là sự chia sẻ thông tin từ chính cơ quan Hải quan. Đây là yếu tố quan trọng cần cải thiện trong thời gian tới”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, thời gian tới, cần đồng bộ hóa phần mềm và trang thiết bị giữa các bộ, như hiện nay mỗi bộ một phần mềm khác nhau, thậm chí sử dụng công ty điện tử công nghệ khác nhau dẫn đến nhiều khi “vênh” trong thực hiện”.

Về những khuyến nghị, ông Đậu Anh Tuấn đề xuất cải thiện chức năng và sự vận hành của cổng một cửa quốc gia là: Khắc phục những trục trặc về đăng ký và sử dụng chữ ký số; nâng cấp các chức năng giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp khi giải quyết thủ tục hành chính; bổ sung các dịch vụ giá trị gia tăng hỗ trợ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là việc thúc đẩy việc phát triển hệ thống công nghệ thông tin tập trung phục vụ triển khai cơ chế một cổng quốc gia; nâng cấp kỹ thuật và bảo trì thường xuyên để cổng một cửa quốc gia hoạt động ổn định, tăng tốc độ xử lý tác vụ và giải quyết trục trặc kỹ thuật.

Trúc Mai